Dùng công cụ thuế để điều chỉnh thị trường nhà đất
Sau các phiên đấu giá đất có giá trúng cao gấp nhiều lần mặt bằng chung, nhiều ý kiến cho rằng rất cấp bách để ban hành ngay chính sách đánh thuế căn nhà thứ 2 để giá bất động sản tăng giảm theo đúng thị trường.
Theo các chuyên gia, nếu chỉ trông vào Luật Đất đai, không thể tìm lời giải cho câu hỏi tại sao giá đất tăng mãi không giảm.
Sớm khởi động Luật Thuế bất động sản
Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở 2023 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Những quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, dẹp nạn đầu cơ, thổi giá. Song, chỉ trong vòng 3 tuần, 2 phiên đấu giá đất “nóng” tại Thanh Oai, Hoài Đức (Hà Nội) lại dấy lên những cảnh báo về việc đẩy giá đất tăng, làm mất đi sự lành mạnh của thị trường.
Riêng tại Hà Nội, theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn gần đây, hàng loạt các thị trường đất nền vùng ven Hà Nội như đất nền Đông Anh, đất nền Hòa Lạc, khu vực đường vành đai 4, đất nền Hoài Đức, đất nền Hà Đông… đều ghi nhận thực tế giá đất nền đang tăng trung bình từ 10-20% so với cuối năm ngoái.
Trong khi đó, theo lý giải của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) trong bối cảnh thiếu nguồn cung mới, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 cấm phân lô, bán nền tại 105 thành phố và thị xã, thì đất đấu giá lại ngày càng hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Trong đề xuất mới đây, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng cần sớm khởi động lại việc nghiên cứu, xây dựng chính sách về thuế này thì không thể xử lý toàn diện các vấn đề về thị trường đất đai, thị trường bất động sản.
Bởi, Nghị quyết 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” có phần quy định về chính sách tài chính về đất đai. Trong đó nêu rõ: Chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.
Đồng tình với đề xuất trên, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, vấn đề liên quan thuế bất động sản cần thực hiện sớm. Một trong những mục tiêu chính của việc đánh thuế trên nhằm xây dựng mặt bằng giá bất động sản hợp lý, không bị “thổi phồng” và tránh tình trạng đầu cơ.
“Nếu có chủ trương thuế hợp lý sẽ ngăn cản được tình trạng đầu cơ đất đai, giá bất động sản sẽ ngay lập tức xuống thấp, phục vụ ngay cho tầng lớp bình dân” – GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Dẹp nạn đầu cơ, thổi giá
Đồng quan điểm, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc triển khai Luật Thuế bất động sản là cần thiết để kiểm soát tình trạng “thổi giá”, đầu cơ đất. Điều này không chỉ giúp ổn định thị trường mà còn ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn cho kinh tế - xã hội.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng để tạo ra sự công bằng và minh bạch trong việc đấu giá và sử dụng đất, cần thiết có một công cụ pháp lý cụ thể như Luật Thuế bất động sản. "Việc thiếu một khung pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh các hoạt động đấu giá đất là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng giá ảo. Tình trạng này không chỉ làm rối loạn thị trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự ổn định kinh tế vĩ mô", ông Đính khẳng định.
Về chính sách trên, đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế nhà và tài sản nhằm xây dựng đề cương báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi theo chỉ đạo của Chính phủ.
Các nội dung góp ý gồm: đề xuất gộp Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản hay bất động sản.
Sau đó một năm, vào đầu năm 2023, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất Luật Thuế bất động sản thay thế Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Về tiến độ, Bộ Tài chính dự kiến trình Luật Thuế bất động sản để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Tuy nhiên, các đề xuất này vẫn đang dừng lại trong các dự kiến.n