Linh hoạt giải quyết hồ sơ đất đai
TP HCM đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về nghĩa vụ tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/8/2024 đến thời điểm có bảng giá đất điều chỉnh.
Trong cuộc trò chuyện mới đây, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai một huyện trên địa bàn TP HCM thừa nhận có tình trạng cơ quan thuế ở địa phương ngừng cho người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính nên từ ngày 1/8 đến nay chi nhánh không có trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nào để cập nhật vào giấy chứng nhận.
Hàng loạt hồ sơ “treo”
"Chi nhánh thực hiện giai đoạn 2 là cập nhật giấy chứng nhận, người dân nộp tiền rồi mới qua đây cập nhật. Cơ quan thuế không giải quyết thì không có hồ sơ" - ông nói và cho biết tại địa phương có hàng trăm trường hợp người dân lâm vào tình cảnh trên.
Được biết, từ ngày 1/8 (ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành), không có quy định việc UBND TP HCM hàng năm trình HĐND TP HCM thông qua hệ số K như Luật Đất đai 2013, nên bảng giá đất áp dụng sau ngày 1/8/2024 sẽ không áp dụng nhân hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024. Vì vậy, UBND TP HCM cho rằng việc sửa đổi, điều chỉnh bảng giá đất được xây dựng theo Luật Đất đai 2013 là cần thiết nhằm phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại TP HCM và từng bước tiếp cận với giá thị trường sẽ được ban hành từ ngày 1/1/2026. Do đó, UBND TP HCM đã xây dựng dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, lấy ý kiến góp ý rộng rãi đối với các cơ quan, tổ chức, người dân sử dụng đất.
Tuy nhiên, từ ngày 1/8, nếu áp dụng bảng giá đất chưa điều chỉnh tại Quyết định 02/2020 mà không nhân với hệ số K thì không phù hợp điều kiện giá đất thực tế hiện nay. Còn nếu tiếp tục áp dụng bảng giá đất chưa điều chỉnh tại Quyết định 02/2020 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 thì chưa được quy định hướng dẫn thực hiện dẫn tới ách tắc hàng loạt hồ sơ. Các cơ quan thuế cấp quận, huyện và TP Thủ Đức vẫn tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa thể tính tiền sử dụng đất phải nộp.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP HCM thừa nhận, UBND TP HCM vừa có văn bản báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để tháo gỡ cho các hộ dân đã nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngày 1/8 đến nay nhưng đang bị “treo”. Ông Cường cũng nhấn mạnh, UBND TP HCM sẽ kịp thời ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền trong tháng 8 và tháng 9 để đảm bảo bao phủ tất cả nội dung khi thực thi Luật Đất đai 2024 và các luật mới, phù hợp các quy định của luật và tình hình thực tiễn tại địa phương. Đặc biệt là đối với các trường hợp đang được người dân quan tâm như tách thửa, hợp thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai đối với tài sản có tranh chấp.
Lãnh đạo TP cũng khẳng định chưa ban hành bảng giá đất điều chỉnh nên đang chờ hướng dẫn từ các cấp trung ương. "Các cơ quan đang thụ lý giải quyết hồ sơ thì phải giải quyết hồ sơ. Về phía TP sẽ chuẩn bị rất kỹ lưỡng và đúng trình tự đối với bảng giá đất lần đầu áp dụng từ năm 2026”.
2 phương án tính tiền sử dụng đất
Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP HCM), Luật Đất đai 2024 cho phép địa phương được áp dụng đơn giá đất cũ đến 31/12/2025 hoặc điều chỉnh bảng giá đất tùy theo tình hình thực tế. Như vậy, khi bảng giá đất điều chỉnh của TP HCM chưa được ban hành thì bảng giá đất cũ vẫn còn hiệu lực. Và cơ quan thuế phải áp dụng bảng giá cũ để giải quyết thủ tục hành chính cho dân. Việc dừng giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất như hiện nay là chưa phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, nói trong thời gian TP HCM tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo bảng giá đất để áp dụng vào 1/1/2026, UBND thành phố nên tiếp tục áp dụng bảng giá đất cũ và hệ số điều chỉnh giá đất hiện hành trong giai đoạn này để người dân không gặp khó khăn khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận và nộp tiền sử dụng đất, nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho họ.
Ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT) cho biết có hai phương án tính tiền sử dụng đất cũng như thuế phí đối với những hồ sơ nhà đất của người dân TP HCM từ 1/8. Phương án 1 là từ ngày 1/8 cho đến khi ban hành bảng giá đất mới thì vẫn lấy bảng giá cũ nhưng phải có các hệ số cụ thể để điều chỉnh. Phương án 2 là chờ bảng giá mới được điều chỉnh để đồng nhất, không có khoảng trước và sau khi có bảng giá mới. Tạm chưa thu thuế trong khoảng thời gian này cho đến khi có bảng giá mới thì sử dụng bảng giá để thu.
“Từ 1/8 cho đến khi ban hành bảng giá đất mới điều chỉnh, TP HCM xử lý ra sao cũng phải lựa chọn phương án phù hợp để không gây ách tắc cho người dân. Các địa phương phải linh hoạt, tính thuế trong giai đoạn này cũng cần phải dựa vào nguyên tắc không gây thất thoát ngân sách Nhà nước và không gây thiệt hại quyền lợi người có đất bị thu hồi”- ông Chính nhấn mạnh.