Kinh tế thế giới

Hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập, đe doạ nền sản xuất nhiều quốc gia

Nam Trần 03/09/2024 03:36

Nhiều quốc gia trên thế giới phải chuẩn bị các biện pháp đối phó để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước trước hàng giá rẻ Trung Quốc.

groceries-in-china-thumb.jpg
Nhu cầu trong nước giảm sút đã gián tiếp đẩy hàng hóa dư thừa của Trung Quốc ra nước ngoài (Ảnh: ISB)

Số liệu thông kê từ nhiều nguồn cho thấy Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc xuất khẩu thép giá rẻ và nhiều sản phẩm khác ra nước ngoài, khiến ngày càng nhiều quốc gia cáo buộc Trung Quốc đang “xuất khẩu giảm phát”.

Biểu hiện rõ nhất là giá xuất khẩu của 60% các sản phẩm chính đã giảm, với sự đi xuống về giá cả đã mở rộng từ vật liệu công nghiệp đến vi mạch hay thực phẩm. Nhiều tháng nay, các nhà phân tích trên thế giới đã nói rằng các công ty Trung Quốc đang chuyển hướng xuất khẩu lượng tồn kho dư thừa ra nước ngoài để đối phó với nền kinh tế trong nước trì trệ.

Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 8 đạt 49,1 điểm, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia công bố vào thứ Bảy, giảm 0,3 điểm so với tháng trước. Đây đã là tháng thứ tư liên tiếp chỉ số này nằm dưới mức 50 – một biểu hiện của sự suy giảm sức mua.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc dường như đang ngày càng lâm vào tình trạng khó khăn về nhu cầu trong nước, nhưng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn giữ vững. Theo số liệu thống kê thương mại sơ bộ trong tháng 7, xuất khẩu của Trung Quốc đạt 300,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và là tháng thứ tư liên tiếp tăng trưởng.

Sự gia tăng về khối lượng hàng hóa đi kèm với đi xuống về giá. Trong số 17 mặt hàng có số liệu thống kê thương mại sơ bộ để so sánh, 60% – bao gồm sản phẩm thép, thiết bị gia dụng và vi mạch – đã giảm giá theo Nikkei Asia tính toán. Tỷ lệ hàng hóa giảm giá bắt đầu tăng từ mùa thu năm 2022 và đã vượt quá 80% vào mùa hè năm ngoái. Xu hướng này tiếp tục dao động ở mức 60% đến 70%, theo tờ báo Nhật Bản.

Ví dụ, giá sản phẩm thép đã giảm 9% và đi xuống liên tục kể từ tháng 9/2022. Suy thoái trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu xây dựng, và sản lượng thép thô đã vượt quá tiêu thụ, dẫn đến tình trạng dư thừa sắt nghiêm trọng.

Xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 61,23 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7. Con số này tương đương với năm 2015, năm ghi nhận mức cao kỷ lục. Giá trong nước giảm đã ảnh hưởng đến giá xuất khẩu.

100535760-100535760-china_shipping_flag.jpg
Xu hướng xuất khẩu giảm phát của Trung Quốc được cho sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2024 (Ảnh: CNBC)

Giá nguyên liệu cũng giảm do thiếu hụt nhu cầu nghiêm trọng ở Trung Quốc, kéo giá cả toàn cầu xuống. Giá đất hiếm đã giảm kể từ tháng 3 năm 2023 và hiện đã giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhôm tăng nhẹ trong tháng 6 và tháng 7, nhưng đã giảm trong suốt 20 tháng liên tiếp cho đến tháng 5 vừa qua.

Không chỉ sản xuất, sức tiêu thụ hàng tiêu dùng được cho cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi kinh tế Trung Quốc. Tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng, bao gồm cả doanh số bán tại các cửa hàng bách hóa và siêu thị cũng như bán hàng qua mạng, chỉ tăng 3,5% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái.

Xu hướng xuất khẩu giá rẻ do nhu cầu yếu ở trong nước cũng được thấy ở hàng tiêu dùng và thực phẩm. Trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Châu Âu chứng kiến lạm phát tiêu dùng tăng, giá cả đồ gia dụng trong chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của Trung Quốc lại giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sự tràn ngập sản phẩm và nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc tại các thị trường đang được nhiều nước cân nhắc nghiêm túc, bởi nó có nguy cơ dẫn đến tình trạng suy giảm lợi nhuận doanh nghiệp và việc làm ở các quốc gia.

EU đã tăng thuế nhập khẩu đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc vào tháng 7. Chính quyền Mỹ cũng đang lên kế hoạch tương tự với nhiều mặt hàng, đồng thời tìm cách ngăn chặn dòng chảy thép nguồn gốc Trung Quốc tuồn qua Mexico.

Bản thân các quốc gia Mỹ Latinh như Brazil và một số quốc gia khác cũng đã tăng thuế đối với thép Trung Quốc, với lý do rằng xuất khẩu ồ ạt sản phẩm này có thể bóp nghẹt các nhà sản xuất trong nước.

Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng tưởng tổng sản phẩm quốc nội 5%, các doanh nghiệp trong nước đang trông chờ vào thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và sản xuất như một trụ cột để đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng trong khi chưa có nhiều biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy hỗ trợ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu hàng hóa có thể là một công cụ để các công ty dựa vào và sẽ tiếp tục điều đó trong nửa còn lại của năm.

Nam Trần