Bình luận

Gỡ vướng cho điện xanh

Yến Nhung 03/09/2024 04:00

Trước thực tế còn nhiều khó khăn, để thúc đẩy việc triển khai các dự án điện xanh, theo chuyên gia, việc gỡ vướng từ chính sách là rất cần thiết.

Theo đó, việc chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các dạng nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường đang là mục tiêu được các doanh nghiệp ngành dầu khí quyết liệt thực hiện để vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa góp phần giảm phát thải.

dien-sach-la-gi-3-1635326688.jpg
Việc chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các dạng nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường đang là mục tiêu được các doanh nghiệp ngành dầu khí quyết liệt thực hiện - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, số liệu của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho thấy, đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (công suất 660 MW) đã đưa vào vận hành bằng dầu, sau đó sẽ sử dụng khí Lô B; dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 (tổng công suất 1.624 MW) sử dụng khí LNG nhập khẩu từ kho cảng Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) mới đạt 85% tiến độ. Còn 18 dự án điện khí khác vẫn đang trong quá đầu tư xây dựng, trong đó có 9 dự án sử dụng khí trong nước và 3 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng công suất 4.500 MW.

Với điện gió ngoài khơi, theo Quy hoạch điện VIII, công suất đến năm 2030 đạt 6.000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 - 91.000 MW. Tuy nhiên, đến nay mới có 1 dự án điện gió ngoài khơi giữa Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và đối tác Singapore nhận được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ để khảo sát và nghiên cứu tiền khả thi.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của sự chậm trễ này là do thiếu hành lang pháp lý cũng như các cơ chế khuyến khích đầu tư. Cụ thể, thị trường tiêu thụ điện khí LNG thiếu khung pháp lý để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết các thỏa thuận về pháp lý - kinh tế - thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án đến khí LNG.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhập khẩu LNG hiện tại còn thiếu. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu LNG; cơ chế bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG cho các dự án điện khí; thiếu quy định bên mua điện thực hiện bao tiêu sản lượng điện đối với điện khí và cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện khí sử dụng LNG.

Với điện gió ngoài khơi, việc chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư còn có nhiều vướng mắc và chưa thống nhất, rõ ràng giữa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (tại các Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư, Luật Đất đai…). Trong đó, Luật Đầu tư năm 2020 chưa quy định rõ và cụ thể về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các cấp đối với các dự án điện gió ngoài khơi. Điều kiện đầu tư dự án điện gió đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa rõ ràng.

Công tác điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi chưa được hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tại các văn bản quy phạm pháp luật. Thiếu các quy chuẩn/tiêu chuẩn, định mức, đơn giá liên quan đến công tác đầu tư xây dựng cho lĩnh vực đầu tư điện gió ngoài khơi; khung chính sách giá, cơ chế giá cho điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, là những vướng mắc chung về cơ chế chính sách trong phát triển các dự án điện, như chưa có hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm định, trình phê duyệt, phê duyệt bổ sung đối với các dự án đầu tư chưa có trong quy hoạch; chính sách ưu đãi cho đầu tư phát triển các dự án điện, dự án sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới theo Luật Điện lực chậm được ban hành; tiến độ dự án đấu nối và truyền tải điện chậm, gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong việc ra quyết định và tối ưu hiệu quả đầu tư...

tinthitruong-nangluong-1-768x433-1.png
Để thúc đẩy việc triển khai các dự án điện “xanh”, theo chuyên gia, việc gỡ vướng từ chính sách là rất cần thiết - Ảnh minh họa: ITN

Trước thực trạng nêu trên, để thúc đẩy việc triển khai các dự án điện “xanh”, TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung đồng bộ các Luật gồm Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường (kiểm đếm phát thải khí CO2; quy định, điều kiện quy đổi khí phát thải); Luật Thuế (cơ chế thuế phí đối với đầu tư, vận hành các dự án điện khí LNG, các dự án điện gió ngoài khơi; thuế xuất khẩu điện; tiêu chuẩn phát thải và khung thuế phí mua bán khí phát thải CO2); Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo; Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai...

Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển thị trường điện theo sát với mục tiêu Quy hoạch điện VIII, tập trung xây dựng đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp và nhà máy có nhu cầu sử dụng điện đủ lớn; đa dạng hóa việc đầu tư hạ tầng truyền tải điện tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là truyền tải cho các nhà máy điện khí LNG và điện gió ngoài khơi.

Đồng quan điểm, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Học viện Tài chính cũng đề xuất hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD.

“Cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch... để tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, TS Ngô Đức Lâm, Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, ở Việt Nam, các doanh nghiệp có khả năng tham gia vào các dự án điện gió ngoài khơi phải là những tập đoàn, tổng công ty lớn, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Vì vậy, hiện chỉ có Petrovietnam và EVN là đủ khả năng thực hiện thí điểm phát triển các dự án điện điện gió ngoài khơi. Đặc biệt, với kinh nghiệm làm việc ở giàn khoan dầu khí ngoài biển và tiềm lực về mặt công nghệ, Petrovietnam còn có khả năng thu xếp vốn thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác. Vì vậy, việc tạo thuận lợi để Petrovietnam thí điểm triển khai dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên sẽ ít rủi ro hơn.

Yến Nhung