Doanh nghiệp e ngại tiếp cận chương trình hỗ trợ chuyển đổi xanh
Dù có nhiều chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh nhưng nhiều doanh nghiệp ngần ngại tiếp cận.
Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Báo cáo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) thực hiện.
Đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ gắn liền với quá trình chuyển đổi xanh trong nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Trong những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp SME) đã được ban hành. Trong đó, các chính sách tài chính và phi tài chính được doanh nghiệp quan tâm.
Theo điều tra của dự án FIRST-NASATI, có một số nguyên nhân cơ bản nhất cản trở doanh nghiệp SME đổi mới sáng tạo. Đó là chi phí cho hoạt động đổi mới công nghệ quá cao; thiếu nhân lực có đủ trình độ chuyên môn để có thể tham gia, thực hiện các hoạt động trên. Có doanh nghiệp không biết về các hoạt động đổi mới công nghệ phù hợp với lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Tỷ lệ doanh nghiệp, nhất là ngành chế biến chế tạo có hoạt động đổi mới sáng tạo dưới nhiều hình thức khác nhau ở mức khá cao nhưng nhiều đổi mới sáng tạo chưa đưa ra thị trường hay đưa vào sản xuất kinh doanh nên chưa thực sự mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Báo cáo nhấn mạnh, trong nhóm giải pháp chính sách tài chính, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp nhận cao nhất. Sự hỗ trợ thiết thực này đã tạo động lực và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước được huy động, bao gồm nguồn vốn đối ứng từ doanh nghiệp và nguồn lực từ các tập đoàn lớn, các tổ chức quốc tế...
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực hỗ trợ trên chưa nhiều. Phân tích về thực tế này, nhóm khảo sát thực hiện báo cáo của CIEM cho rằng, có nguyên nhân từ nội lực doanh nghiệp SME nhưng có nguyên nhân đến từ việc tổ chức thực hiện như nguồn lực hỗ trợ hạn chế, thủ tục hành chính thiếu thân thiện, cản trở doanh nghiệp tiếp cận.
Cụ thể, quy định về đăng ký và tiếp cận các hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ phức tạp, gây khó khăn khiến doanh nghiệp ít mặn mà. Tương tự như vậy, với yêu cầu phức tạp, quy định cứng nhắc nên tỷ lệ trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp còn thấp. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, số tiền và số doanh nghiệp trích lập Quỹ không nhiều; việc sử dụng số tiền từ Quỹ chi cho hoạt động khoa học công nghệ đạt 60%.
Năm 2022, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đã có văn bản giải quyết những vướng mắc tạo cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giải phóng được nguồn lực của Quỹ cần tiếp tục nỗ lực hơn.
Ngoài nội dung trên, còn nhiều chương trình hỗ trợ khác dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh nhưng nhưng không ít doanh nghiệp chưa có thông tin về các hình thức hỗ trợ hoặc doanh nghiệp ngần ngại trong việc là đối tượng của chương trình hỗ trợ sử dụng ngân sách do e ngại các điều kiện liên quan đến các thủ tục thanh toán, thủ tục đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý khá phức tạp.
Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ tập trung vào các chương trình tập huấn, đào tạo trong khi doanh nghiệp có nhu cầu lớn về hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, tài chính, kết nối chuỗi cung ứng, thúc đẩy tiêu dùng xanh… Trong khi đó, tín dụng xanh tại các tổ chức tín dụng chưa phổ biến, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng xanh không nhiều. Việc phát triển thị trường tài chính xanh gặp khó khăn, các bên tham gia hạn chế, thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia thị trường tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh.