24h

Sửa Luật Phá sản 2014 để "cứu" doanh nghiệp

Khôi Nguyên 04/09/2024 00:30

TAND tối cao đề xuất cần sửa đổi, hoàn thiện thủ tục phá sản nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí nhằm cứu doanh nghiệp và bảo toàn tài sản của các chủ thể…

sua-luat-pha-san-2014-de-cuu-doanh-nghiep-1.jpg
TAND tối cao đề xuất cần sửa đổi, hoàn thiện thủ tục phá sản nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí nhằm cứu doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao (TAND tối cao) vừa công bố dự thảo báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành luật phá sản năm 2014 và dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách dự án luật Phá sản sửa đổi.

Phân tích số liệu cho thấy lượng vụ việc tăng nhiều qua các năm, tập trung hơn ở các TAND cấp huyện, nhưng không đồng đều giữa các tỉnh. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển như Bình Dương, TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai…

Đáng chú ý, TAND tối cao cho biết, thời gian bắt đầu thụ lý đến khi giải quyết xong vụ việc phá sản phụ thuộc vào tính chất, mức độ phức tạp của từng vụ việc cũng như sự hợp tác của doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán.

Thực tế, có vụ việc phá sản bị kéo dài 10 năm, thậm chí 16 năm đến nay vẫn đang thi hành. Trong khi đó, vụ việc phá sản giải quyết nhanh nhất là 1 tháng do doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán, không còn tiền, tài sản để thực hiện phương án phân chia tài sản.

TAND tối cao đánh giá, luật Phá sản năm 2014 đã phần nào khắc phục những bất cập, hạn chế về thủ tục giải quyết các vụ việc phá sản; tạo thuận lợi hơn cho việc xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản; bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ…

Tuy vậy, một số quy định của luật hiện hành còn chưa rõ ràng, có những cách hiểu khác nhau dẫn đến các tòa án thực hiện không thống nhất. Một số quy định không có tính khả thi (nhất là về thời hiệu, thời hạn), chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu mở thủ tục phá sản cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Chính những nguyên nhân trên dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc phá sản bị kéo dài, thậm chí có những vụ việc phá sản không thể giải quyết được. Để khắc phục những bất cập đã nêu, TAND tối cao đề xuất sửa đổi luật Phá sản năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết.

Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất nghiên cứu, quy định thủ tục phục hồi giản lược và thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện luật định; quy định đơn giản về thủ tục, điều kiện, rút ngắn về thời gian, giảm chi phí so với thủ tục chung. Riêng với doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản thì bị tuyên bố phá sản như quy định của luật Phá sản năm 2014.

TAND tối cao cũng đề xuất nghiên cứu, quy định về thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, giải quyết nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả hơn vụ việc phá sản. Điển hình như: thủ tục cấp, tống đạt thông báo bằng phương tiện điện tử; nộp lệ phí, chi phí phá sản trực tuyến; tài liệu, chứng cứ điện tử; thu thập, cung cấp, tiếp nhận tài liệu, chứng cứ điện tử tại tòa án; xây dựng hồ sơ phá sản điện tử….

Đặc biệt, luật Tổ chức TAND năm 2024 có hiệu lực kể từ 1/1/2025 tới đây đã bổ sung quy định về việc thành lập, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND chuyên biệt phá sản. TAND tối cao cho rằng cần rà soát, sửa đổi quy định về thẩm quyền của các tòa án trong giải quyết phá sản, nhằm bảo đảm tính chuyên môn hoá, phát huy trình độ chuyên môn sâu của thẩm phán trong giải quyết phá sản.

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất các chính sách về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia giải quyết vụ việc phá sản, bao gồm việc đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ thẩm phán, quản tài viên, chấp hành viên, kiểm sát viên.

Khôi Nguyên