Giải pháp số hoá cho doanh nghiệp được Shark đề nghị “đập đi xây lại”
Shark Thái đưa ra đề nghị sáp nhập IMK với doanh nghiệp công nghệ của mình, đề xuất này được đánh giá là "đập đi xây lại".
Đến Shark Tank Việt Nam mùa 7 với mong muốn kêu gọi đầu tư 10 tỷ đồng đổi lấy 12% cổ phần để phát triển giải pháp số hóa tổng thể cho doanh nghiệp kinh doanh online, Phạm Vũ Luyến – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của IMK khiến các Shark “tranh giành” đặt câu hỏi để tìm hiểu về startup.
Mong muốn cung cấp một giải pháp giúp doanh nghiệp kinh doanh online hệ thống số hóa tổng thể trên một nền tảng web tinh gọn, hiệu quả và đồng bộ, Phạm Vũ Luyến đã cho ra đời IMK.
Theo giới thiệu của nhà sáng lập, nền tảng của IMK tích hợp 6 hệ thống tự động bao gồm hệ thống website, mạng xã hội mini, hệ thống chat, hệ thống Marketing, hệ thống Bán hàng và hệ thống kết hợp giữa CRM với ERM. Bên cạnh đó, IMK cũng cung cấp thêm những dịch vụ khác như marketing tổng thể, tên miền, hosting, máy chủ, email, vv…, dịch vụ cho thuê các hạ tầng quảng cáo, dịch vụ liên quan đến đào tạo về công nghệ, về marketing online và offline.
“Giải pháp của chúng tôi giúp tối ưu hóa tối đa về mặt chi phí, thời gian, nhân sự, tính hiệu quả. Đặc biệt có thể giúp các doanh nghiệp nâng cấp dịch vụ của mình theo nhu cầu trong từng giai đoạn phát triển kinh doanh khác nhau”, Phạm Vũ Luyến tự tin cho biết.
Giải thích thắc mắc của Shark Minh Beta về việc không tìm thấy thương hiệu IMK trên nền tảng tìm kiếm, Phạm Vũ Luyến tiết lộ, IMK mới chính thức khai trương vào tháng 5/2024. Tuy nhiên anh đã dành thời gian 14 năm để phát triển công ty theo hai hình thức là xây dựng thương hiệu cá nhân của anh Luyến chuyên về đào tạo và nghiên cứu phát triển nền tảng công nghệ marketing tự động. Riêng với giải pháp của IMK, Phạm Vũ Luyến đã mất 5 năm phát triển với đội ngũ nhân sự công ty là 4 người.
Sau khi khai trương, doanh thu tháng 6/2024 của IMK là 317 triệu đồng đến từ 7 khách hàng, lợi nhuận đạt 63% với con số 201 triệu đồng. Anh Luyến cho biết thêm, mục tiêu doanh thu của IMK trong năm 2024 là 9 tỷ đồng, lợi nhuận tối thiểu 60%.
Ước tính dung lượng thị trường về số hóa tổng thể tại Việt Nam đạt từ 3 – 4 tỷ USD, kỳ vọng của IMK là chiếm được 30 – 35% thị phần trong vòng 5 năm tới.
Thuyết phục các Shark đầu tư 10 tỷ cho 12% cổ phần, Phạm Vũ Luyến tự tin cho biết mảng số hóa hiện đang là “con đường sống còn” cho cả các doanh nghiệp SMEs cũng như các doanh nghiệp lớn .
Có hai thế mạnh để Phạm Vũ Luyến tự tin rằng IMK có thể chiếm 30% thị trường: “Em có thế mạnh về công nghệ, em được đào tạo bài bản về công nghệ. Cái thứ 2 là phần marketing em cũng đang đi học thêm. Và cho đi thì mình mới nhìn thấy rất nhiều kiến thức, rất nhiều vấn đề. Em nhìn từ các tập đoàn xuống dưới. Cái thứ hai là em nhìn từ dưới lên, tức là nhìn các doanh nghiệp SME và các cá nhân kinh doanh online xem họ đang làm cái gì và họ cần cái gì”.
Tuy nhiên, câu trả lời chung chung của anh khiến các Shark phải nhắc nhở rằng cần tập trung vào điểm cốt yếu, những điểm khác biệt thực sự và vượt trội so với các sản phẩm khác trên thị trường.
Tóm gọn lại, Phạm Vũ Luyến phân tích rằng hiện nay có nhiều công ty liên quan đến chuyển đổi số nhưng hiếm thấy một hệ thống đồng bộ tất cả, nhất là ở các doanh nghiệp nhỏ. Thứ hai là doanh nghiệp muốn bứt phá nhưng không có một công cụ giải pháp nào. Chính vì thế, với hệ thống hạ tầng của IMK, cùng kinh nghiệm đào tạo số lượng học viên lớn và thương hiệu cá nhân của mình, Phạm Vũ Luyến tự tin rằng doanh nghiệp của anh có thể chiếm lĩnh thị trường trong thời gian ngắn.
Trước những chia sẻ của nhà sáng lập IMK, Shark Thái cho biết vẫn chưa hiểu rõ IMK cung cấp phải pháp phần mềm hay là data (dữ liệu). Đáp lại, Phạm Vũ Luyến khẳng định yếu tố quan trọng nhất của startup này là phần mềm, khi tích hợp 6 hệ thống trong cùng một nền tảng.
Tuy nhiên, câu trả lời này lại dấy lên trong Shark Minh Beta một thắc mắc khác, rằng tích hợp tất cả các module trong một phần mềm thì căn cứ nào để IMK vượt trội hơn so với từng sản phẩm lẻ.
Phạm Vũ Luyến kể lại rằng anh đã từng có kinh nghiệm xây dựng một hệ thống với thông tin 20 nghìn sản phẩm trong thời gian chỉ 3 tháng. Đến tháng thứ 5, hệ thống này đã đạt doanh số hơn 100 đơn hàng một ngày và sau một năm, hệ thống này đã trở thành đại lý bán hàng trực tuyến cho một siêu thị điện máy lớn tại Việt Nam.
“Có thể nó phù hợp vấn đề cụ thể mà bạn đang giải quyết thôi. Làm sao mà người khác có thể tin là dùng hệ thống của bạn giải quyết được nhiều vấn đề đa dạng của nhiều doanh nghiệp khác nhau?”, Shark Minh Beta tiếp tục đặt câu hỏi làm rõ hơn về thế mạnh của IMK.
“Em đã đào tạo cho rất nhiều doanh nghiệp. Tập đoàn lớn cũng thiếu các giải pháp như thế này”, Phạm Vũ Luyến nói. Nhà sáng lập IMK cũng cho biết thêm, chính vì đi đào tạo nên anh mới nhìn thấy insight khách hàng. Do đó, anh mới dành thời gian 5 năm để phát triển hệ thống IMK. Với hệ thống này, IMK sẽ hợp tác với vai trò là đại lý bán hàng của đối tác.
“Tại sao mình nói là số hóa cho doanh nghiệp? Khi mình nói từ “số hóa cho doanh nghiệp”, nghĩa là doanh nghiệp đó phải sử dụng nền tảng của mình như một người dùng. Thay vì họ develop (phát triển) thì họ dùng nền tảng của mình để bán hàng”, Shark Lê Mỹ Nga đặt vấn đề.
Phạm Vũ Luyến bày tỏ: “Với thời điểm kinh tế khó khăn như 3 năm vừa qua, không dễ gì các doanh nghiệp SMEs và doanh nghiệp lớn người ta sử dụng sản phẩm của mình. Nhiệm vụ của bên em, đầu tiên là xây dựng hệ thống công nghệ, thứ hai là educate thị trường để bán hàng, thứ 3 là chốt sale. Như vậy với mô hình này, nó gần như mô hình D2C”. Theo đó, IMK sẽ thu phí hoa hồng khoảng từ 15 – 20% trên mỗi giao dịch.
Nói về căn cứ để đạt được doanh thu 9 tỷ trong năm 2024, Phạm Vũ Luyến lý giải rằng công ty không phải chạy chương trình quảng cáo mà hoàn toàn sử dụng data khách hàng cũ để đạt được doanh số như trên. Hiện nay IMK đang nắm trong tay dữ liệu của khoảng 2.000 khách hàng cũ.
Sau một hồi tìm hiểu về IMK, Shark Hưng nhận định mô hình kinh doanh của startup không mới. Ông cũng đánh giá cách tiếp cận để đưa ra giải pháp marketing tổng thể tự động trên internet của startup rất “ngây thơ”: “Ngoài ra thì đầu tư công nghệ thì 1 tỷ trong năm năm, doanh thu mấy trăm triệu, định giá công ty lên đến khoảng chục tỷ, những cái này nó lại càng viển vông”. Với những phân tích đó, Shark Hưng là người đầu tiên từ chối thương vụ này.
Tiếp đó, Shark Bình bày tỏ rằng ban đầu, ông rất kỳ vọng vào mô hình của startup. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe phần thuyết trình, Shark Bình nhận định công nghệ không phải sở trường của nhà sáng lập. Chủ tịch NextTech thú thực: “Tôi cũng là một shark công nghệ mà tôi vẫn chưa hiểu được cái bạn đang sell (bán) cho tôi nó là cái gì. Với một sản phẩm làm tôi cũng chưa hiểu được nên tôi sẽ chưa thể đầu tư”.
Shark Minh Beta thì phân tích rằng nhiều dữ kiện startup đưa ra không hợp lý: “Từ chuyện là bạn có 4 người trong công ty thôi, bạn cũng tự nhận bạn không quá giỏi về công nghệ, thế mà lại muốn xây dựng một giải pháp có thể nói là rất khó, rất kỳ vĩ và cần rất nhiều sự xuất sắc, số lượng nhân sự tốt để có thể làm ra”. Thêm vào đó, startup chưa có thành tựu doanh số hay về lợi nhuận nhưng lại có kế hoạch là chiếm đến 30% thị trường tỷ đô. Với những điều đó, Shark Minh Beta là người tiếp theo rời khỏi thương vụ.
Shark Lê Mỹ Nga nhận xét, những giải pháp của IMK và nỗi đau của khách hàng không khớp với nhau. “Thậm chí những module của bạn cũng không rõ ràng, không sắc nét. Nếu sắc nét thì bạn đã trình bày nó rõ rồi. Và cách trình bày của bạn rất lan man…, chưa thuyết phục được tôi”, Shark Nga chia sẻ và quyết định không đầu tư.
Shark Thái cho biết cách đây 6 năm, vị Phó Chủ tịch Thái Hương cũng thành lập một công ty công nghệ với mong muốn gói gọn hết tất cả quy trình mình có để trao đi giá trị nhanh hơn. “Tôi quản trị một nhà máy, tôi quản trị cả một công ty công nghệ. Tôi xây dựng một phần mềm để kết nối tất cả với nhau, từ nhân sự, tài chính, phòng ban thậm chí đến khách hàng. Và tôi thất bại… Tôi đầu tư rất nhiều tiền vào cho nó và cuối cùng dự án của tôi, cái phần mềm đó nó như một nồi lẩu thập cẩm. Sau đấy tôi thay đổi chiến lược, và công ty của tôi từ một công ty phần mềm thay bằng công ty cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp”, Shark Thái kể lại.
Trước sự tâm huyết của Phạm Vũ Luyến, Shark Thái đưa ra đề nghị sáp nhập IMK với doanh nghiệp công nghệ của ông, mỗi bên sẽ đầu tư thêm 10 tỷ, trong đó Phạm Vũ Luyến chiếm 51%, còn Shark Thái giữ 49% cổ phần.
Đề nghị này của Shark Thái được Shark Lê Mỹ Nga nhận xét là “đập đi xây lại”. Trong khi đó Shark Thái lại cho rằng startup mới chỉ đơn thuần là gói gọn quy trình lại, còn sau này những tính năng sẵn có nào phù hợp thì có thể vẫn ứng dụng được cho doanh nghiệp mới.
Đứng trước chia sẻ của các Shark, Phạm Vũ Luyến bày tỏ: “Cảm ơn tất cả các shark đã cho em lời khuyên dành rất quý giá, cho dù là không dễ nghe nhưng mà em cũng đã nhận được lời khuyên của mình” và từ chối đề nghị hợp tác của Shark Thái, khép lại thương vụ gọi vốn chưa thành công