Lợi nhuận và sứ mệnh của doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt Nam không nên trì hoãn việc đưa các mục tiêu xã hội và môi trường vào chiến lược cốt lõi của mình.
Đây là nhận định của hai giảng viên quốc tế đến từ Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT.
Không thể phủ nhận rằng Việt Nam có một nền kinh tế vô cùng năng động. Dải đất hình chữ S đã ghi nhận tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây nhờ lực lượng lao động trẻ, đầu tư nước ngoài và hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng.
Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng được đặt ra xung quanh thành tựu kinh tế này là “Làm thế nào để doanh nghiệp có thể cân bằng giữa việc theo đuổi lợi nhuận truyền thống với yêu cầu ngày càng tăng về trách nhiệm môi trường, xã hội và quản trị (ESG)?”.
"Câu hỏi này phản ánh thay đổi cơ bản trong môi trường kinh doanh. Các bên liên quan, từ nhà đầu tư đến người tiêu dùng, kỳ vọng rằng doanh nghiệp sẽ đóng góp tích cực cho xã hội và môi trường. Họ ngày càng đưa ra yêu cầu chặt chẽ hơn cho doanh nghiệp về việc thực hành ESG", Phó giáo sư Burkhard Schrage, Phó chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị, Khoa Kinh doanh, RMIT Việt Nam cho biết.
Vào năm 2023, một cuộc khảo sát do Schneider Electric thực hiện với 500 doanh nghiệp tại Việt Nam cho thấy 99% trong số họ có khát vọng phát triển bền vững, nhưng hơn một nửa vẫn chưa triển khai hành động cụ thể để biến điều này thành hiện thực.
Phó giáo sư Schrage cho rằng các công ty Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức cân bằng giữa trọng tâm truyền thống là tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông với mối quan tâm về ESG đang ngày càng được coi trọng. Thay đổi này có thể khiến các mục tiêu tài chính của doanh nghiệp mâu thuẫn với kỳ vọng rộng lớn hơn của xã hội.
"Lãnh đạo doanh nghiệp có tư duy tiến bộ đang bắt đầu nhận ra rằng lợi nhuận và sứ mệnh doanh nghiệp không loại trừ lẫn nhau. Họ hiểu rằng cân nhắc đến ESG không chỉ là mệnh lệnh đạo đức mà còn là chiến lược kinh doanh thông minh", ông nói.
Chuyên gia RMIT trích dẫn một nghiên cứu của McKinsey cho thấy doanh nghiệp có hồ sơ tích cực về các vấn đề ESG đạt được kết quả tài chính tốt hơn, chẳng hạn như định giá doanh nghiệp cao hơn 10% so với các doanh nghiệp có hồ sơ tiêu cực.
Ông diễn giải rằng doanh nghiệp có kết quả ESG tốt thường sẽ nâng cao được danh tiếng thương hiệu, thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu và tiếp cận được các thị trường mới. Những yếu tố này có thể góp phần vào thành công tài chính dài hạn và tăng trưởng bền vững.
Tiến sĩ Santiago Velasquez, Phó chủ nhiệm chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại RMIT, ghi nhận rằng doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp một số thách thức đặc thù khi triển khai các hoạt động ESG so với doanh nghiệp toàn cầu.
"Những thách thức này có thể liên quan đến các yếu tố kinh tế, cơ sở hạ tầng hoặc quy định cụ thể của Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn nên cân nhắc triển khai các thông lệ tốt nhất toàn cầu và nguyên tắc cốt lõi của ESG", Tiến sĩ Velasquez nhận định.