Công nghệ định hình nguồn nhân lực
Sự phát triển của công nghệ đang làm thay đổi nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều công việc mới đòi hỏi cả doanh nghiệp, người lao động và các cơ sở giáo dục đào tạo phải thay đổi để thích ứng.
Những năm gần đây, mọi người đều cảm nhận được những thay đổi rõ rệt và nhanh chóng trong công việc hiện tại dưới sự tác động của các xu hướng công nghệ chủ đạo. Thậm chí, với công nghệ, nhiều nhân sự có thể thực hiện được các phần việc trước đây chưa từng làm.
Xu hướng mới
Xu hướng mới sau đại dịch Covid-19: làm việc từ xa (WFH). Không ít người lao động cảm thấy WFH “cũng được” và mang lại hiệu quả. Tại Việt Nam, theo khảo sát do PwC thực hiện năm 2023 cho thấy, có khoảng 8% người được hỏi mong muốn WFH hoàn toàn; 74% mong muốn kết hợp làm việc tại văn phòng và WFH; còn lại là những người làm việc hoàn toàn tại văn phòng. Thực tế này đòi hỏi người lao động cần trang bị kỹ năng mới, sử dụng công cụ thông tin nhiều hơn để WFH. Trong khi doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề an toàn, an ninh bảo mật dữ liệu.
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Theo Statisca, 3/4 công ty đang coi chuyển đổi số là chiến lược IT toàn cầu; năm 2023 các công ty đã thực hiện chuyển đổi số sẽ đóng góp khoảng 50% GDP toàn cầu và đến năm 2026 chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu đạt mức 3.400 tỷ USD.
Tự động hóa và AI là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ với việc sử dụng phổ biến hơn robot trong các dây chuyền sản xuất, kho vận… ở các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Cùng với đó, các ứng dụng AI đang thay thế con người thực hiện nhiều công việc phức tạp như chatbot, dịch vụ khách hàng, chuẩn đoán y khoa, kiểm soát chất lượng, dịch vụ pháp lý, giao dịch chứng khoán.
Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, đến năm 2025, tỷ lệ nghiệp vụ dự báo được tự động hóa tăng lên 42% so với 34% hiện nay. Từ một nghiên cứu khác cho thấy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ như ứng dụng số, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây… chiếm tỷ lệ khá cao. Khi doanh nghiệp cởi mở và nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ, đặt ra vấn đề là lực lượng lao động có theo kịp được xu hướng này hay không?
Xu hướng nữa là trật tự cũ bị phá vỡ, nhiều ngành nghề mới ra đời như thương mại điện tử đang làm thay đổi thị trường bán lẻ; các ứng dụng đặt xe thay đổi ngành vận tải hành khách; các nền tảng trực tuyến thay đổi lĩnh vực giải trí… Kéo theo đó, thị trường lao động có nhu cầu nhân sự lớn như các vị trí làm khoa học dữ liệu, kỹ sư dữ liệu lớn, chuyên gia an toàn thông tin, chuyên gia marketing số (streamer)…
Ứng xử của doanh nghiệp
Những xu hướng trên đang tác động, góp phần định hình lại nguồn nhân lực và tương lai việc làm. Câu hỏi đặt ra chúng ta có nên lo lắng khi xu hướng máy móc thay thế con người đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ?
Câu trả lời không đơn giản. Nhìn lại các cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra trước đây đều thấy máy móc có thể thay thế con người ở cấp độ nhất định và đều mang đến cho con người cuộc sống tốt đẹp hơn. Trên bình diện tổng thể xã hội, theo tôi, không nên lo lắng quá nhiều.
Tuy nhiên, từ góc độ doanh nghiệp và người lao động, tôi cho rằng, nên lo lắng trước sự thay đổi để nhận biết, thay đổi và thích ứng với bối cảnh mới. Doanh nghiệp không theo kịp xu hướng công nghệ có thể mất lợi thế cạnh tranh, bị bỏ lại phía sau, thậm chí bị phá sản như đã từng xảy ra. Còn với người lao động, không cập nhật kỹ năng phù hợp với yêu cầu mới của công việc có thể đối mặt với nguy cơ bị đào thải. Trên cơ sở đó, cả doanh nghiệp người lao động cần phải đặt câu hỏi để xác định những công nghệ nào cần ứng dụng, những kỹ năng nào cần bổ sung, hình thức đào tạo là gì…
Một số kỹ năng cơ bản phần lớn người lao động cần trang bị là kỹ năng số (sử dụng thiết bị số; chọn lọc thông tin; hiểu về bảo mật và riêng tư; ứng xử phù hợp trên mạng xã hội; có kỹ năng học tập suốt đời); kỹ năng công nghệ (giao tiếp số, lập trình, phân tích dữ liệu, marketing số, điện toán đám mây) và kỹ năng mềm (tư duy phân tích, sáng tạo, phản biện và giải quyết vấn đề).
Để bổ sung những kỹ năng trên, trước hết người lao động cần tự đánh giá xem mình thiếu hụt ở mức nào, chọn lọc kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc, yêu cầu của xã hội; xây dựng lộ trình học tập và nguồn học… Bên cạnh tự lực của các nhân sự, doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ người lao động trang bị kỹ năng mới nhất cũng là đảm bảo tương lai cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới, có cơ hội tạo ra đột phá sáng tạo từ công nghệ mới.
Cụ thể, tổ chức chương trình đào tạo kỹ năng nội bộ, tạo điều kiện và có chế độ khuyến khích cho người lao động học tập liên tục, hình thành đội ngũ mentor nội bộ... Với cách thực như vậy, doanh nghiệp không chỉ là nơi làm việc mà còn là ngôi nhà thứ 2 của người lao động. Từ đó góp phần hình thành văn hoá sáng tạo, văn hoá ứng dụng cái mới trong đội ngũ nhân sự, hướng đến đích là tạo đột phá mới cho doanh nghiệp.
Từ phía trường đại học cũng có thể tham gia vào việc trang bị kỹ năng cần có cho công việc tương lai của sinh viên thông qua việc trang bị kiến thức nền tảng vững chắc, nhất là kiến thức liên ngành; xây dựng năng lực tự học trong thời đại công nghệ thay đổi liên tục; liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng công nghệ và theo nhu cầu doanh nghiệp; rèn luyện kỹ năng mềm cần thiết. Tại FPT một chương trình về khởi nghiệp đã được triển khai không chỉ nhắm đến việc ươm mầm tinh thần khởi nghiệp, quan trọng hơn để rèn luyện kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, khả năng làm việc nhóm, phân tích thị trường, phân tích “nỗi đau” của khách hàng cho sinh viên. Đây cũng là các bước chuẩn bị sẵn sàng cho nhân lực số tương lai.