Khuyến khích doanh nghiệp FDI xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Để đảm bảo các tiêu chuẩn và quy chuẩn của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu quốc tế trong hội nhập kinh tế và xuất nhập khẩu, nhiều ý kiến cho rằng, cần tạo điều kiện và quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức tham gia xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đang tích cực tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các tổ chức kinh tế quốc tế. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là một điều tất yếu để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Ngoài ra, việc áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài có sẵn cũng sẽ tránh việc xây dựng quá nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật không cần thiết, gây lãng phí cũng là yếu tố quan trọng để giúp các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng hóa ở nhiều nước trên thế giới. Đây là một trong những nội dung quan trọng được đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia, đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Dự thảo).
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng nhóm Kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm và Dinh dưỡng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, trong Điều 7 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành quy định “Khuyến khích tổ chức, cá nhân nước ngoài... tham gia xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật”.
Như vậy, có thể thấy quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện nay cũng đã khá tương đồng với các yêu cầu của các FTA thế hệ mới. Tuy nhiên, trong thực tế, rất ít tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Vì vậy, nên có biện pháp làm rõ hơn trong Luật hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để đảm bảo việc thực hiện phù hợp với các cam kết FTA.
Theo ông Uy, một thực tế bất cập là hiện nay là các doanh nghiệp FDI đang đóng góp 70% kim ngạch xuất khẩu, hơn 50% sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo. Các doanh nghiệp FDI có rất nhiều chuyên gia giỏi và sẵn sàng tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia.
“Tuy nhiên, ngoại trừ Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia của Bộ Khoa học Công nghệ có một số thành viên là chuyên gia từ các doanh nghiệp FDI hoặc hiệp hội các doanh nghiệp FDI, còn Ban biên soạn các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và nhiều Bộ khác không có chuyên gia từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp FDI”, chuyên gia này chia sẻ.
Với những bất cập trên, ông Nguyễn Hồng Uy đề xuất, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tăng cường việc mời các chuyên gia từ khối FDI vào Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia, để hỗ trợ Bộ không chỉ trong việc xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam, mà cả thẩm định tiêu chuẩn Việt Nam của các Bộ khác chuyển đến.
“Lý tưởng nhất là mỗi Ban kỹ thuật có ít nhất 1 chuyên gia từ khối FDI bên cạnh chuyên gia từ khối doanh nghiệp trong nước và đại diện cơ quan quản lý cùng các nhà khoa học”, ông Uy nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật phải góp phần nâng cao sức cạnh tranh, tham gia vào hội nhập kinh tế, tham gia vào các Hiệp định FTA.
Theo ông Thanh, việc Dự thảo quy định cho các tổ chức, doanh nghiệp được tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn là rất đúng, vì đây là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của những tiêu chuẩn, quy chuẩn này.
“Tuy nhiên, cần có tiêu chí, điều kiện, quy định trách nhiệm cũng như hình thức các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị
Ngoài ra, ông Thanh cho rằng, hiện nay, chúng ta đã tham gia sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế, khi hội nhập như vậy, các sản phẩm hàng hóa của chúng ta đưa vào các thị trường quốc tế phải tuân thủ theo yêu cầu của thị trường, phải có xuất xứ hàng hoá rõ ràng, phải theo tiêu chuẩn.
Do đó, trong sửa đổi Luật lần này, cần phải cân nhắc khả năng tận dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước khác trong các hiệp định thương mại tự do để tránh việc phải xây dựng bộ tiêu chuẩn của chúng ta nhưng lại không phù hợp với các tiêu chuẩn của các nước, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả.
“Ví dụ như hàng hoá của chúng ta vào thị trường Mỹ thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, vào thị trường EU phải theo tiêu chuẩn EU. Vấn đề này cần phải khắc phục, tránh việc xây dựng quá nhiều tiêu chuẩn không phù hợp, thậm chí còn gây lãng phí, tốn kém cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Vũ Hồng Thanh chia sẻ.