Thị trường Edtech hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại
Thị trường Edtech giàu tiềm năng đang thu hút nhiều doanh nghiệp, trong đó, các sản phẩm EdTech quốc tế của các nhà đầu tư ngoại ngày càng nhiều.
Theo báo cáo “Đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp với quỹ Do Ventures công bố, trong năm 2023, nguồn vốn đầu tư rót vào các công ty khởi nghiệp giảm 17%. Thế nhưng, lĩnh vực công nghệ giáo dục (Edtech) lại là ngoại lệ khi nhận được số vốn đầu tư cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 750 doanh nghiệp Edtech đang hoạt động, cung cấp đa dạng sản phẩm thiết bị phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Trong đó, có nhiều tên tuổi lớn của ngành công nghệ trong và ngoài nước như Viettel, VNPT, Mobifone hay Samsung, ViewSonic...
Các sản phẩm Edtech trên thị trường rất đa dạng nhưng hai phân khúc lớn thu hút đông doanh nghiệp đầu tư là đào tạo ngoại ngữ và đào tạo K-12 (giáo dục mầm non và phổ thông). Trong năm 2023 - thời điểm Edtech nhận được số vốn đầu tư cao nhất từ trước tới nay cũng ghi nhận nhiều sản phẩm Edtech nước ngoài có mặt tại thị trường Việt Nam như Ielts Science, Global Exam… Nhiều nền tảng giáo dục trực tuyến của Việt Nam nhận được những khoản đầu tư lớn của các quỹ, nhà đầu tư tiếp tục nâng cao chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới nhằm tăng cường trải nghiệm, hỗ trợ cá nhân hoá người học.
Trên cơ sở đó, thị trường Edtech ghi nhận sự lớn mạnh của một số nền tảng trực tuyến trong nước. Chẳng hạn, nền tảng giáo dục trực tuyến VUIHOC đã trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á có mặt trong Bảng xếp hạng “ngôi sao đang lên” của Edtech thế giới năm 2024 hay VioEdu - trợ lý học tập ứng dụng AI giành giải Bạc tại Giải thưởng số ASEAN 2024…
Xu hướng ứng dụng công nghệ mới như AI trong các sản phẩm Edtech dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Sách trắng Edtech Việt Nam 2024 nhận định, năm nay các sản phẩm phân khúc B2C có tích hợp AI sẽ bùng nổ.
Bên cạnh các sản phẩm Edtech dành cho đào tạo K - 12, thị trường sẽ hứa hẹn có sự gia tăng của các sản phẩm hướng đến đào tạo nâng cao kỹ năng và tái đào tạo kỹ năng, nhất là các khóa học về AI, lập trình, công nghệ do chính sách của Chính phủ đầu tư phát triển nhân lực công nghệ.
Đánh giá về thị trường Edtech Việt Nam, TS Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và đào tạo) nhấn mạnh tiềm năng lớn với 22 triệu học sinh sinh viên cùng 1,6 triệu giáo viên. Tổng cộng hai con số đã chiếm khoảng 1/5 dân số cả nước, mở ra cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp sáng tạo.
Trong khi đó, dù sau dịch COVID-19, nhiều hoạt động, trong đó có giáo dục đã trở về với hình thức trực tiếp nhưng nhu cầu của người học với các sản phẩm Edtech là rất lớn. Hiện, mức độ kỳ vọng của phụ huynh cũng như tỷ lệ sẵn sàng đầu tư vào học tập cho con em ở Việt Nam ở mức tương đồng với các quốc gia phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc…
Học sinh Việt Nam đang quan tâm và hứng thú với giáo dục STEM. Con số bài học STEM khoảng 89.000 đã được triển khai từ năm học 2022-2023 chắc chắn sẽ gia tăng trong năm học này khi số tiết học và trường học quan tâm môn học này tăng lên.
Năm 2024, doanh thu trên thị trường Edtech ở Việt Nam dự kiến đạt 364,70 triệu USD. Trong đó, thị trường nền tảng học tập trực tuyến có giá trị ước lượng là 228,70 triệu USD; doanh thu trung bình trên mỗi người dùng trong thị trường này khoảng 42,69 USD.