Kinh tế địa phương

Kì 2: Nghị quyết 45 “Cánh cửa” đổi thay đô thị Hải Phòng

Minh Huệ 05/09/2024 13:23

Thời gian qua, TP Hải Phòng đã phát triển bứt phá về mọi mặt. Đặc biệt từ sau khi NQ số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành, đô thị Hải Phòng đã bừng lên một diện mạo mới.

Cái tên “Nghị quyết 45” giờ đây đã trở nên thân thuộc với người dân thành phố Cảng. Qua 5 năm triển khai, NQ số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã thay đổi diện mạo đô thị Hải Phòng, có tác động mạnh mẽ đến chất lượng cuộc sống của người dân, tạo động lực, sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đô thị đổi thay từng ngày

Ông Nguyễn Trung Tuyên – TGĐ Công ty CP Thiết kế Xây Dựng CDS cho biết: Thành phố đang tiến những bước dài trong nỗ lực thực hiện mở mang, chỉnh trang đô thị với kỳ vọng đưa Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước. Trở thành một thành phố văn minh, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị.

4.jpg
Một góc đô thị Hải Phòng nhìn từ trên cao xuống trục đường Lê Hồng Phong

Cụ thể, 5 năm trở lại đây, hàng loạt khu đô thị như: Vinpearl (Hồng Bàng; Cầu Rào 2); khách sạn 5 sao Puman; Các dự án Vsip; Các khu nhà ở xã hội; Các khu du lịch, nghỉ dưỡng tại huyện Cát Hải do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư xây dựng bến số 3,4,5,6,7,8... tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng...

Đặc biệt là năm 2024, Hải Phòng như một “đại công trường”. Khu Đô thị mới Bắc sông Cấm với các hạng mục: Khu trung tâm hành chính-chính trị thành phố, Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên. Trong đó Khu trung tâm hành chính Bắc sông Cấm hiện đã được xây dựng theo định hướng phát triển nhiều không gian xanh.

Hạ tầng giao thông mở ra nhiều triển vọng

Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chia sẻ, năm 2024, thành phố đang tập trung đầu tư hạ tầng. Đồng thời khẩn trương triển khai các dự án, công trình mới như: mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên II, cầu Bến Rừng, cầu Rào III, tuyến đường mới kết nối từ trung tâm thành phố đi Đồ Sơn. Các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3. Các bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai để đến năm 2025, Hải Phòng có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên hoàn, xứng đáng là trung tâm giao thương quốc tế, là động lực phát triển kinh tế của cả nước.

TP Hải Phòng những năm qua có sự đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là xây dựng cầu. Không bất ngờ khi Hải Phòng giờ được gọi thân thương là "thành phố của những cây cầu" và trở thành một đô thị năng động bậc nhất cả nước.

Theo đại diện Sở GTVT Hải Phòng, tới năm 2024 thành phố có gần 100 cây cầu đã và đang được xây dựng. Trong đó có hơn 70 cây cầu được đưa vào khai thác, tạo ra sự kết nối giữa ngoại thành với nội thành, giữa Hải Phòng với các tỉnh, mở ra triển vọng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Từ sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương lân cận và sự quyết tâm cao của thành phố, lĩnh vực xây dựng cầu trên địa bàn Hải Phòng có những đột phá trong giai đoạn 2015 tới nay. Giai đoạn này, Hải Phòng xây dựng hơn 60 cây cầu, trong đó có nhiều cầu lớn như: Cầu Hoàng Văn Thụ, cầu vượt nút giao Nam cầu Bính, cầu vượt sông Văn Úc, cầu vượt sông Thái Bình…

Theo đại diện UBND TP Hải Phòng, trong giai đoạn 2022 - 2025, TP đề xuất HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư xây dựng 29 cây cầu, ước tính tổng số tiền đầu tư hạ tầng giao thông cho giai đoạn này gần 38.000 tỷ đồng.

2(2).jpg
Cầu Bến Rừng kết nối TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh nới kết nối giao thương (Ảnh: Thắng Nguyễn)

Vóc dáng tương lai của thành phố cảng

Về Hải Phòng bây giờ đã khác hẳn! Từ đô thị đến nông thôn, tất cả đều “thay da đổi thịt”, chuyển mình một cách ngoạn mục. Những người con xa xứ quả thật khó mường tượng thành phố đổi mới nhanh đến vậy. Những khu đô thị cao cấp, hiện đại, những khu vui chơi, giải trí mua sắm, bệnh viện, trường học mang tầm cỡ quốc tế đã và đang hiện hữu. Đặc biệt, theo quy hoạch đô thị Hải Phòng sẽ có sự phát triển rất nhanh trong những năm tới, ngày càng rộng dài, rực sáng.

Theo đó, Hải Phòng có 6 khu vực phát triển đô thị. Trong đó, khu A là khu vực đô thị nội đô lịch sử (thuộc các quận Hồng Bàng,Lê Chân, Ngô Quyền). Đây là các khu phố có giá trị lịch sử, kiến trúc được định hướng bảo tồn, tôn tạo các không gian, các công trình kiến trúc có giá trị cao, cải tạo cảnh quan, nâng cấp hạ tầng để tạo dựng được bản sắc của một đô thị có bề dày lịch sử tồn tại và phát triển. Đồng thời, sẽ tái thiết các khu nhà ở, chung cư cũ xuống cấp, từng bước di chuyển ra các khu chung cư mới theo hướng hiện đại, tiện nghi; tái thiết khu vực bờ Nam sông Cấm thành một dải cảnh quan đô thị văn hóa, hiện đại.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, theo Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng trong tương lai phát triển theo mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh, với cấu trúc không gian đô thị: Hai vành đai – Ba hành lang – Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh. Trong đó, hai vành đai kinh tế gồm: Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ - du lịch - đô thị hướng ra biển; Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng Hải Phòng.

Ba hành lang cảnh quan gồm: Hành lang sông Cấm, sông Lạch Tray và Văn Úc. Ba trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh gồm: trung tâm đô thị lịch sử (khu phố cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc và vùng phụ cận) và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở quận Hải An và quận Dương Kinh; đô thị sân bay Tiên Lãng. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.

Như vậy, so với Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16-9-2009, định hướng phát triển đô thị Hải Phòng trong tương lai sẽ đồng đều hơn trên toàn lãnh thổ. Nếu trước đây, Hải Phòng chỉ có 1 hạt nhân là đô thị lõi trung tâm hiện hữu thì theo Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, cấu trúc không gian đô thị Hải Phòng chuyển từ đơn cực sang đa cực.

3(1).jpg
Từ sau khi NQ số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành, đô thị Hải Phòng đã bừng lên một diện mạo mới

Từ đó, tạo động lực cho các quận, huyện có cơ hội tăng trưởng kinh tế và đô thị hoá, đáp ứng tốc độ phát triển dân số trong từng giai đoạn, đồng thời, tạo dựng vóc dáng mới, mở ra triển vọng phát triển mới của đô thị Hải Phòng, mang đặc trưng của thành phố cảng biển tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Có thể nói, “Cánh cửa” quyết định sự đổi thay bộ mặt Hải Phòng như ngày hôm nay chính là Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong suốt quá trình tổ chức thực hiện, toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố như được tiếp thêm động lực cùng chung sức, đồng lòng lập nên những kỳ tích chưa từng có.

Với định hướng đúng và quyết tâm cao, Hải Phòng đang có những bước tiến dài một cách bền vững trên con đường trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm là một trong những thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Minh Huệ