Chậm giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng cho biết, đến nay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ đề án triển khai đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, thông tin đáng lưu ý là về tiến độ giải ngân gói 120.000 tỷ đồng.
Khó khăn về nguồn vốn
Theo Bộ Xây dựng, đến nay đã giải ngân được 1.344 tỷ đồng, trong đó có 1.295 tỷ đồng cho các chủ đầu tư vay, 49 tỷ đồng cho người mua nhà vay. Việc giải ngân gói tín dụng 1200.000 tỷ còn chậm bởi còn ít ngân hàng tham gia.
Hiện, ngoài 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) mới chỉ có thêm 4 ngân hàng thương mại khác (TPBank, VPBank, MBBank, Techcombank) tham gia chương trình.
Một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về cho vay như không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng, không có tài sản khác để thế chấp, chủ đầu tư làm nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp…
Bên cạnh đó, gói tín dụng này áp dụng vay lãi suất còn cao, trong đó 8%/năm với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà. Thời gian ưu đãi ngắn với 3 năm chủ đầu tư và 5 năm với người mua nhà chưa thực sự thu hút người vay.
Bởi vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khuyến khích các ngân hàng khác tham gia gói 120.000 tỷ đồng và xem xét giảm lãi suất và nâng thời hạn cho vay đối với gói tín dụng này.
Tiến độ triển khai chậm
Cũng trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại như việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội còn chậm so với chỉ tiêu đề ra. Tính đến giữa tháng 7, cả nước có 79 dự án xây xong với gần 40.700 căn, đạt 10% chỉ tiêu đến 2025. Ngoài ra, 128 dự án khởi công, dự kiến cung ứng gần 112.000 căn nhà ở xã hội.
Tổng số lượng căn nhà ở xã hội được khởi công và hoàn thành đến nay đạt gần 36% mục tiêu đến năm 2025. Một số địa phương có tỷ lệ xây nhanh và vượt chỉ tiêu như Khánh Hòa (104%), Thanh Hóa (74%), Hậu Giang (53%), Bình Thuận (37%)... Nhiều địa phương cũng tích cực thu hút đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội như Bắc Ninh (16 dự án), Thanh Hóa (10), Hải Phòng (9), Đồng Nai (8)...
Trong đó, tại hai đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, việc xây nhà ở xã hội chưa đạt tới 40% chỉ tiêu. Cụ thể, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến 2025, nhưng mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, với 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.
Ngoài ra, một số địa phương có nhu cầu về nhà ở xã hội cao nhưng chưa có dự án hoàn thành như Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau.
Để đạt được mực tiêu của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ, quyết tâm triển khai và hoàn thành các mục tiêu của Đề án trong năm 2024 và các năm tiếp theo.