Nguồn lực cho chu kỳ tăng trưởng mới
Với bước đà từ đầu tư công tạo động lực hỗ trợ cho phát triển, cần giải pháp dài hạn tăng cường hiệu quả điều tiết ngân sách, mở rộng cơ sở thu, huy động các nguồn lực cho chu kỳ tăng trưởng mới.
Ngân hàng Thế giới (WB) nâng cao dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 và dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,5% trong 2024 và tiếp tục nằm trong một quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
“Chân kiềng” trên thị trường vốn
Tuy nhiên, đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng và ở mức cao, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Với quy mô tín dụng năm 2023 đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, tỷ lệ tín dụng/GDP năm 2023 đạt khoảng 130%, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ này ở mức cao.
Nguồn cung vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chưa phát triển tương xứng và còn nhiều vấn đề nên các nguồn lực trong nền kinh tế chưa được huy động hiệu quả, khiến nhu cầu vốn cho phục hồi tăng trưởng kinh tế tập trung phần lớn vào tín dụng ngân hàng.
Với thị trường trái phiếu, đến cuối năm 2023, có 460 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 2.030 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2022, tương đương 20% GDP. Thị trường trái phiếu Chính phủ mỗi năm huy động khoảng 300.000 tỷ đồng, với kỳ hạn dài, lãi suất khoảng 2,7- 3%/năm và hiện vẫn còn dư địa, có thể huy động thêm.
Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp - một nguồn vốn trung và dài hạn quan trọng với nền kinh tế, thị trường tăng trưởng nhanh giúp thu hẹp quy mô thị trường vốn và tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sau giai đoạn bùng nổ và đạt khối lượng phát hành kỷ lục vào năm 2021 với hơn 740 nghìn tỷ đồng, năm 2022 và 2023, thị trường chứng kiến sự biến động rất mạnh. Khối lượng trái phiếu phát hành sụt giảm và hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn gia tăng, nhiều vấn đề nảy sinh do doanh nghiệp phát hành không trả được nợ, áp lực đáo hạn. Tính đến tháng 6/2024, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm còn 9,64% GDP, cách xa mục tiêu của Chiến lược tài chính đến năm 2030 tại Quyết định 368/QĐ-TTg năm 2022 là đến năm 2025 đạt 20% GDP.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 31/12/2023, thị trường bảo hiểm có 82 doanh nghiệp và gia tăng về số lượng doanh nghiệp so với năm 2019 (67 doanh nghiệp). Năm 2023, thị trường bảo hiểm đạt được một số kết quả khả quan khi tổng tài sản đạt 913.308 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ thống quản trị rủi ro tại các doanh nghiệp bảo hiểm chưa hoàn thiện dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không kịp thời phát hiện rủi ro phát sinh từ hoạt động nghiệp vụ, hoạt động tài chính.
Với thị trường chứng khoán, giá trị vốn hóa tính đến cuối năm 2023 đạt khoảng 5,9 triệu tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2022, tương đương 58,1% GDP. Tính từ năm 2019 đến tháng 7/2024, lượng vốn huy động qua kênh cổ phiếu còn khiêm tốn, ước đạt khoảng 750 nghìn tỷ đồng. Số lượng tài khoản đạt khoảng 7,3 triệu, tương đương 7,5% dân số, vượt mục tiêu đề ra tại đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán vào năm 2025 (5%) nhưng chủ yếu là tài khoản cá nhân.
Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ thị trường vốn - tài chính, gồm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm để cải thiện, tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn, huy động nguồn lực từ trong dân nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm bớt gánh nặng vốn trung và dài hạn cho ngành ngân hàng.
“Bước đệm” đầu tư công
Về lâu dài, định hướng điều chỉnh chính sách tài chính ngân sách thời gian tới cần có tầm nhìn xa hơn với các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế ngân sách Nhà nước (NSNN), hiện nay, Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án “Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW) và chủ động, tích cực của ngân sách địa phương (NSĐP), trình Chính phủ trình Bộ Chính trị.
Thứ hai, sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi Luật NSNN và các văn bản liên quan phù hợp với thực tiễn theo hướng đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý NSNN, tăng vai trò chủ đạo của NSTW. Rà soát điều chỉnh các quy định về phương thức chia sẻ nguồn thu giữa NSTW và NSĐP trong một số sắc thuế…
Thứ ba, tập trung tháo gỡ nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công. Trong giai đoạn 2019 - 2023, đặc biệt trong giai đoạn 2022 - 2023, nguồn lực đầu tư công được đẩy mạnh với vai trò động lực của nền kinh tế. Chi đầu tư phát triển nguồn NSNN tăng qua các năm, ước thực hiện năm 2023 đạt 725 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2019; bình quân giai đoạn đoạn 2019 - 2023 tăng 13,9%/năm. Tuy nhiên, có một số tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cần tiếp tục tháo gỡ.
Thứ tư, để khơi thông nguồn lực, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật NSNN để tăng cường hiệu quả điều tiết ngân sách, mở rộng cơ sở thu, huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN. Tăng cường quản lý nợ công, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công.
Thứ năm, phát triển thị trường tài chính, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững.
Ngoài ra, từ năm 2024, Việt Nam đã thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, điều này có thể tác động đến việc thu hút FDI, giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội.