Dự thảo sửa đổi Luật số 69/2014: Cân nhắc quy định về điều chuyển vốn
Để đảm bảo phù hợp thực tế hoạt động của doanh nghiệp, góp ý Dự thảo Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về điều chuyển vốn cần xem xét lại…
Theo đó, nhằm nâng cao công tác quản lý, tại Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), cơ quan soạn thảo đề xuất, thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế gồm các nội dung ưu tiên: Chi tiền lương, tiền thưởng, trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ đầu tư phát triển.
Đồng thời, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng quy định, Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp sử dụng để xử lý tài chính đối với các dự án kinh doanh thua lỗ do điều kiện khách quan theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chi trả tiền lương; tiền công cho các đối tượng do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê; thuê kiểm toán báo cáo tài chính; đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh, dự án tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp; nộp về ngân sách Nhà nước, điều chuyển giữa các doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Xoay quanh nội dung được đề xuất, không ít ý kiến cho hay, quy định như vậy là không phù hợp với các nguyên tắc đang áp dụng hiện nay, quỹ đầu tư phát triển phục vụ nhu cầu đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Các nội dung như chi trả tiền lương, tiền công cho các đối tượng do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê, thuê kiểm toán báo cáo tài chính cần xem xét đưa vào chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác.
Không chỉ có vậy, việc điều chuyển quỹ đầu tư phát triển tại các doanh nghiệp như đề xuất sẽ dẫn đến tình trạng bất công bằng, cào bằng giữa các doanh nghiệp và vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp về sự công bằng giữa các cổ đông.
Góp ý về nội dung này, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, Quy chế quản lý tài chính của EVN quy định, lợi nhuận của Tập đoàn sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, phần lợi nhuận còn lại được phân phối: Chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng (nếu có), bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế.
Theo ông Nam, Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định cơ chế điều chuyển Quỹ đầu tư phát triển giữa các doanh nghiệp có thể tạo sự linh hoạt trong cơ chế bố trí vốn, nhưng trong một số trường hợp sẽ làm giảm hoặc có nguy cơ bị các nhà đầu tư/tổ chức khác đánh giá làm giảm tiềm lực của doanh nghiệp, hạn chế sự chủ động, động lực phát triển của doanh nghiệp.
“EVN đề nghị xem xét theo hướng: Phương án điều chuyển giữa các doanh nghiệp là phương án được xem xét lựa chọn trong trường hợp phải nộp về ngân sách Nhà nước”, đại diện EVN bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ các trường hợp điều chuyển Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và kiến nghị lược bỏ quy định việc điều chuyển quỹ này.
“Doanh nghiệp làm ăn có lãi, có nguồn để trích lập Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp nhưng lại bị điều chuyển sẽ gây tác dụng ngược, không khuyến khích, không tạo động lực cho doanh nghiệp. Khi bị điều chuyển quỹ, doanh nghiệp sẽ thiếu hụt nguồn thực hiện dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường năng lực quản trị, nguồn lực, ảnh hưởng lớn tới hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp”, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phân tích.
Bên cạnh đó, theo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các ý kiến cũng cho rằng, Quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc vốn chủ sở hữu doanh nghiệp. Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần, Quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc sở hữu của các cổ đông, bên tham gia góp vốn. Nhà nước chỉ là một trong số các cổ đông, thành viên góp vốn. Nếu điều chuyển Quỹ này sẽ gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của cổ đông, bên tham gia góp vốn khác.
“Trong tình hình biến động, nguồn vốn chủ sở hữu (trong đó có Quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp được trích hàng năm) giúp đảm bảo “sức đề kháng” của doanh nghiệp trước rủi ro, biến động khó lường. Việc điều chuyển trực tiếp quỹ này giữa các doanh nghiệp100% vốn Nhà nước không phù hợp, có thể ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các cổ đông/thành viên góp vốn khác”, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho hay.
Được biết, trước các góp ý đã nêu, giải trình về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, Quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp được hình thành từ vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp, sau khi có quyết định tăng vốn điều lệ từ Quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp thì quỹ này mới được gọi là vốn của doanh nghiệp. Do đó, chủ sở hữu có quyền thu về ngân sách Nhà nước, điều chuyển hoặc để lại tăng vốn điều lệ tương ứng với tỷ lệ phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.