Cần hành lang pháp lý phù hợp với tài nguyên khoáng sản chiến lược
Khoáng sản chiến lược là khoáng sản thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước, do đó, cần xây dựng hành lang pháp lý phù hợp.
Theo đó, Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/QĐ-TTg năm 2023 đặt mục tiêu cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số khoáng sản chiến lược, quan trọng, quy mô lớn làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế - xã hội; ưu tiên thăm dò các mỏ quặng ẩn sâu đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến đối với các khoáng sản có quy mô lớn.
Chiến lược chỉ rõ, về định hướng phát triển, sẽ tiếp tục đánh giá tổng thể tiềm năng các khoáng sản chiến lược, quan trọng gồm đất hiếm, khoáng sản phóng xạ (urani-thori), kim loại hiếm (liti, berili, coban), kim loại đang thiếu hụt (vàng, thiếc-wolfram, đồng, niken), các khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và các khoáng sản bổ sung thay thế cát, sỏi lòng sông.
Thực tế cho thấy, các khoáng sản chiến lược, trong đó có đất hiếm, đóng vai trò then chốt trong nhiều ngành công nghiệp mới nổi, như làm vật liệu nam châm vĩnh cửu, vật liệu quang học, vật liệu siêu dẫn dùng để sản xuất các pin, linh kiện điện tử quan trọng, như điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng, ô tô điện, thiết bị hàng không vũ trụ và đặc biệt nhất là công nghiệp quốc phòng.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về tài nguyên và trữ lượng khoáng sản chiến lược lớn trên thế giới. Ngoài các khu vực đã được điều tra, đánh giá, thăm dò và kết quả một số đề án do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đã phát hiện trong nhiều khu vực có tiền đề, dấu hiệu địa chất liên quan đến trữ lượng khoáng sản chiến lược. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với tài nguyên này.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Hoàng Cao Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, khái niệm về khoáng sản chiến lược sẽ lần đầu tiên được luật hóa và đưa vào quy định cụ thể trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản (hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Về định nghĩa khoáng sản chiến lược, theo Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, đây là khoáng sản thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước. Ông Phương cho rằng, khái niệm này cần rà soát vì để đảm bảo việc xác định danh mục khoáng sản đảm bảo đúng một trong hai khái niệm “thiết yếu” hay “phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước”, theo Dự thảo là rất khó khăn.
Về danh mục, ông Hoàng Cao Phương đề nghị, rà soát lại, không đưa khoáng sản làm vật liệu xây dựng và cát, sỏi lòng sông vào danh mục vì phạm vi bao gồm quá nhiều loại khoáng sản, quy mô và số lượng mỏ rất nhiều trên phạm vi cả nước.
“Rà soát, bổ sung một số loại khoáng sản có quy mô lớn, chỉ tập trung tại một số địa phương; khoáng sản có tên trong Nghị quyết số 10-NQ/TW như mỏ cromit Cổ Định (Thanh Hóa), mỏ quặng sắt Quý Xa (Lào Cai)…”, chuyên gia này đề nghị
Đồng thời, danh mục khoáng sản chiến lược nên tập trung các mỏ có quy mô từ trung bình trở lên, mức độ quan trọng có tính lâu dài, bền vững. Việc đưa vào quá nhiều loại/mỏ khoáng sản có thể ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; còn nếu đưa vào ít quá thì khi cần thiết khó có thể áp dụng cơ chế cho nhóm khoáng sản này.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng, để Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược, nhất là đất hiếm, của thế giới, chúng ta cần có Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên khoáng sản chiến lược, xác lập cơ sở dữ liệu đầy đủ, làm căn cứ để xây dựng chiến lược, khung chính sách quản lý và sử dụng khoáng sản chiến lược phù hợp với xu thế và nhu cầu thị trường quốc tế.
Việc thực hiện Đề án là rất cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế, cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng, tạo cơ hội phát triển, giảm phụ thuộc vào nguồn cung của nước ngoài, tạo cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp khoáng sản chiến lược của Việt Nam, gia tăng việc làm và phát triển của địa phương.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các tài nguyên khoáng sản chiến lược đặc biệt quý hiếm, do đó cần xây dựng hành lang pháp lý phù hợp.
Phó Thủ tướng nêu rõ, việc điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược của Việt Nam cần đặt trong mối quan hệ mang tính tổng thể và chiến lược đối với ngành công nghiệp khoáng sản của đất nước.
Trước hết, Đề án cần đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên khoáng sản chiến lược, nhất là đất hiếm, đối với các ngành công nghiệp mới nổi, nguồn cung - cầu trên toàn cầu; tác động, ảnh hưởng của các khoáng sản chiến lược đến hoạt động kinh tế, thương mại, ngoại giao, địa chính trị... của khu vực và thế giới. Đồng thời, Đề án cần đánh giá đúng vị trí, tiềm năng tài nguyên khoáng sản chiến lược của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Đề án không chỉ dừng lại ở điều tra, đánh giá mà phải tham mưu, đề xuất những chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác quản lý, phát triển ngành công nghiệp khoáng sản chiến lược của đất nước.
Đồng thời kiến nghị triển khai một số dự án thí điểm trong thăm dò, điều tra, khai thác, chế biến, sử dụng với trọng tâm là lựa chọn công nghệ, đối tác chiến lược, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp đối với các tài nguyên khoáng sản chiến lược.