Phân tích - Bình luận

Trung Quốc "vung tiền" mua công nghệ bán dẫn

Trương Khắc Trà 06/09/2024 04:00

Trung Quốc đã chi hàng trăm tỷ USD ồ ạt mua sắm máy móc, thiết bị công nghệ bán dẫn. Nhiều chuyên gia lo ngại thế giới sẽ tràn ngập chip thế hệ cũ.

semiconductors-1000x600.jpeg
Trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc đã chi tới 24,73 tỷ USD để mua sắm thiết bị sản xuất chip (Ảnh: japan-forward)

Theo Báo cáo mới công bố của Hiệp hội Quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn (SEMI), Trung Quốc tăng cường chi tiêu mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất chip bán dẫn. Lượng vốn bỏ ra của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã vượt qua Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Theo dữ liệu từ SEMI, trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc đã chi tới 24,73 tỷ USD để mua sắm thiết bị sản xuất chip. Dữ liệu cho thấy, trong quý II, doanh số bán thiết bị chế tạo chip sang Trung Quốc đạt 12,21 tỷ USD, so với 4,52 USD sang Hàn Quốc, 1,61 tỷ USD sang Nhật Bản...

Hoạt động mua sắm ồ ạt của Trung Quốc đã tăng tốc kể từ khi Washington siết chặt xuất khẩu công nghệ bán dẫn vào tháng 10/2022. Theo SEMI, chi tiêu hàng năm của Trung Quốc cho ngành bán dẫn đã tăng vọt từ 28 tỷ USD vào năm 2022 lên 36,6 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến ​​con số này sẽ vượt quá 35 tỷ USD trong năm nay.

Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Hà Lan ASML đã chứng kiến ​​doanh thu từ việc bán cho khách hàng Trung Quốc tăng từ 17% trong quý IV năm 2022 lên 49% trong quý II năm nay. Hai nhà cung cấp Tokyo Electron và Screen Holdings đều có hơn 40% tổng doanh thu từ Trung Quốc trong quý II và dự kiến ​​doanh số sẽ tiếp tục tăng.

Chiến lược “đầu tư lớn” được thúc đẩy bởi những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tự cung tự cấp chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn, với mục tiêu phòng ngừa những rủi ro từ các hạn chế của phương Tây.

Các chuyên gia lo ngại khi Trung Quốc ra tay “chơi lớn” sẽ gây ra cú sốc với ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Với sự tích tụ năng lực đến mức dư thừa, nước này sẽ làm ra khối lượng sản phẩm khổng lồ, giá rẻ, hoàn toàn có thể đánh bại đối thủ.

Điều tương tự đã từng xảy ra với nhiều lĩnh vực như xe máy, ô tô, pin lithium, tấm năng lượng mặt trời và hàng loạt sản phẩm tiêu dùng gia dụng “made in China” gây ám ảnh với thế giới.

8c33338e-6798-11eb-bc00-908c10a5850a_image_hires_183204.jpg
Thị trường toàn cầu có thể sẽ tràn ngập chip giá rẻ của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Quỹ đầu tư “Big Fund” sẵn có 48 tỷ USD, luôn sẵn sàng giải ngân cho những thương vụ lớn. Tờ The Economist đặt câu hỏi: “Liệu thế giới có nên lo sợ trước cơn sốt sản xuất chip tại Trung Quốc?”

Clark Tseng, Giám đốc cấp cao tại SEMI cho rằng: Việc đầu tư quá mức như vậy cuối cùng sẽ dẫn đến năng lực kém hiệu quả hoặc chưa được sử dụng hết trong tương lai. Hiện tại, nước này có thể sản xuất hàng loạt chip thế hệ cũ 20nm.

Alex Capri, giảng viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore và là nghiên cứu viên tại Hinrich Foundation, bình luận: “Thế giới có thể sớm phải đối mặt với tình trạng dư thừa năng lực sản xuất chip cũ, như đã thấy trong các ngành công nghiệp khác như xe điện và tấm pin mặt trời. Các công ty khó có thể cạnh tranh với các công ty Trung Quốc đang tràn ngập thị trường với các sản phẩm rẻ hơn”.

Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế của Mỹ đã cắt đứt Trung Quốc khỏi công nghệ chip tiên tiến nhất, dưới 5nm. Ông Capri cho biết “Trung Quốc đang cố gắng tìm ra cách chế tạo nó, nhưng điều đó gần như là không thể”.

Giới chuyên gia cũng phân tích con chip 7nm do SMIC chế tạo trang bị cho dòng điện thoại Mate 60 Pro của Huawe và cho rằng đây chỉ là trường hợp cá biệt, phần lớn mang tính biểu tượng, bởi SMIC không có máy quang khắc EUV nên quá trình sản xuất rất tốn kém, khó thương mại hóa dòng chip này.

Mặc dù các nhà sản xuất chip Trung Quốc cạnh tranh với các nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới, nhưng họ vẫn quá mong manh khi nói đến thiết kế, kỹ thuật và độ tin cậy của sản phẩm.

Trương Khắc Trà