Trung Quốc thúc đẩy cuộc đua trong ngành công nghiệp robot
Trung Quốc có tầm nhìn dài hạn về phát triển robot và các ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày.
Tại Hội nghị Robot Thế giới 2024 diễn ra tại Bắc Kinh, đã có hơn 600 sản phẩm robot từ khắp nơi trên thế giới, thu hút hơn 1,3 triệu người tham dự. Có 27 robot hình người được trưng bày, có khả năng ứng dụng trong sản xuất, chăm sóc sức khỏe, quản lý gia đình và giải trí.
Tại Hội nghị, các robot hình người đã thể hiện kỹ năng chơi bóng đá, chế biến bánh hamburger, chơi nhạc cụ, viết thư pháp và thể hiện khả năng hỗ trợ phẫu thuật. Các chú robot khác được trưng bày đã thể hiện tiềm năng trong việc giáo dục và chăm sóc người già.
Trong khi đó, robot hình người Walker S series của công ty UBTECH có trụ sở tại Thâm Quyến đã thể hiện khả năng kiểm tra lốp xe chính xác cho những chiếc xe do Audi và FAW hợp tác sản xuất, làm nổi bật sự hợp tác giữa ngành công nghiệp ô tô và lĩnh vực robot hình người tại Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự cạnh tranh trong lĩnh vực robot có thể trở thành cuộc đua toàn cầu mới trong thế kỷ này. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực robot hình người lạc quan rằng trong vòng 5 đến 10 năm tới, có thể sản xuất robot hàng loạt.
Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư mạo hiểm và doanh nhân ở Thung lũng Silicon cùng nhiều nơi khác đã phát hiện ra robot hình người là một ngành công nghiệp quan trọng có thể thúc đẩy tăng trưởng hàng chục tỷ đô la Mỹ trong những năm tới.
Trong đó, Trung Quốc có tầm nhìn dài hạn về sự phát triển của robot và các ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, họ đã xây dựng các chính sách có thể kích thích và duy trì các sáng kiến trong vài năm tới. Ngoài các hướng dẫn cấp quốc gia, các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Ninh Ba đã thành lập các trung tâm đổi mới robot hình người.
Các trung tâm này hướng đến mục tiêu tập hợp các nguồn tài chính và nhân tài nghiên cứu để đẩy nhanh quá trình phát triển của ngành công nghiệp robot tại quốc gia này. Trung Quốc cũng đang tích hợp AI vào các chương trình dạy tại trường tiểu học và trung học để chuẩn bị cho lực lượng lao động trong tương lai.
Kế hoạch này cũng kêu gọi phát triển các công ty và cụm công nghiệp có ảnh hưởng toàn cầu, thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới. Đồng thời nhấn mạnh vào việc tăng cường đổi mới bằng cách thành lập các phòng thí nghiệm và thúc đẩy sự hợp tác giữa ngành công nghiệp và các học viện, xây dựng một cộng đồng nguồn mở toàn cầu cho robot hình người.
Cam kết của Trung Quốc đối với ngành robot được phản ánh trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó nhấn mạnh tầm nhìn đến năm 2035, robot sẽ được tích hợp sâu vào cuộc sống hàng ngày. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cũng đã ban hành các hướng dẫn cụ thể hơn về phát triển robot hình người vào tháng 10 năm ngoái.
Các hướng dẫn đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, nêu rõ rằng đến năm 2025, sẽ thiết lập hệ thống đổi mới cơ bản cho robot hình người. Đến năm 2027, chuỗi cung ứng của ngành sẽ được nâng cao, hình thành nên một hệ sinh thái cạnh tranh toàn cầu.
Mặc dù Trung Quốc phải đối mặt với những hạn chế trong việc tiếp cận chip AI và các mô hình ngôn ngữ lớn từ các công ty Mỹ, tuy nhiên, khoản đầu tư lớn vào nghiên cứu chip, cùng với các mô hình nguồn mở có sẵn sẽ giúp Trung Quốc tiến bộ trong các lĩnh vực AI và robot.
Thị trường rộng lớn và các kịch bản ứng dụng đa dạng cũng sẽ thúc đẩy việc thu thập dữ liệu trên quy mô lớn, giúp đào tạo các hệ thống AI dạy robot hình người cách di chuyển.
Theo TS Gerui Wang, giảng viên tại Đại học Stanford, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp mới, trong đó có robot. Các trường học và phụ huynh ngày càng cởi mở hơn về việc sử dụng các ứng dụng công nghệ như gia sư AI và robot chơi cờ vua.
Bên cạnh đó, các cuộc thi về robot dành cho học sinh, sinh viên cũng được tổ chức để thúc đẩy sự đổi mới và khả năng sáng tạo trong lĩnh vực robot và lập trình trong giới trẻ cả nước.
"Việc cung cấp đào tạo về kỹ thuật robot từ trong các trường học sẽ trang bị cho học sinh kiến thức để phát triển trong một thế giới tích hợp robot trong tương lai", TS Gerui Wang nhận định.
Vào tháng 2, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố chính sách tập trung vào việc tạo ra 184 cơ sở giáo dục AI để thí điểm tích hợp AI. Các trường tiểu học và trung học được chọn sẽ tích hợp AI vào các môn học như công nghệ thông tin, hướng đến mục tiêu phát triển các phương pháp dạy và học có thể được triển khai trên toàn quốc.
Mặc dù vậy, bà Wang cũng lưu ý rằng, các chương trình giảng dạy phải cân bằng giữa việc phát triển các kỹ năng quản lý, giao tiếp giữa các cá nhân và đạo đức công nghệ.
Có thể thấy sự tiến bộ của robot mang lại những tiềm năng thú vị nhưng cũng đi kèm những lo ngại về đạo đức và an toàn, cũng như
những lo ngại về quyền riêng tư và tác động tâm lý khi tương tác với robot. Ngoài ra, còn có nguy cơ robot bị tấn công hoặc bị điều khiển và những hậu quả có hại có thể phát sinh.
Một mối quan tâm lớn khác là tác động rộng hơn của robot đối với xã hội, đặc biệt là trong lực lượng lao động. Khi Trung Quốc dẫn đầu thế giới về triển khai robot công nghiệp, lĩnh vực sản xuất của nước này ngày càng được tự động hóa, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong thị trường lao động của đất nước.
Việc tự động hóa có thể dẫn đến mất việc làm, làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa những người được hưởng lợi từ tự động hóa và những người bị bỏ lại phía sau.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, các chính phủ và các ngành công nghiệp cần tăng cường đầu tư vào các chương trình giúp người lao động bị mất việc có được các kỹ năng mới. Đồng thời hỗ trợ tinh thần kinh doanh, tăng cường mạng lưới an toàn xã hội và thúc đẩy sự hợp tác giữa chính phủ, ngành công nghiệp và học viện.
Những nỗ lực này cần cân bằng giữa đổi mới với việc hỗ trợ người lao động để mang lại lợi ích cho xã hội theo cách công bằng.