Tín dụng - Ngân hàng

HDBank (HDB) - Kỳ vọng nới room ngoại và cơ sở hỗ trợ tăng trưởng?

Lê Mỹ 06/09/2024 05:05

HDBank (HDB) được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh nửa cuối 2024, với kỳ vọng nới room ngoại cùng nhiều lợi thế.

Trong ngày 5/9 - phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (sàn HSX) giảm 0,55%, về mốc 26.950đ/cp. Đây là một trong số ít những phiên giảm của HDB trong vòng gần 1 tháng qua, với ước tính chỉ có khoảng 6 phiên điều chỉnh giá cổ phiếu trong nhịp tăng kể từ ngày 7/8 - nay, đưa HDB từ quanh 24.000đ/cp vượt lên 27.000đ/cp cùng thanh khoản tích cực.

Hình 2
HDBank (HDB) được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ nửa cuối 2024. Ảnh minh họa

Đó trước hết là hoạt động kinh doanh, với kết quả và tiềm năng ghi nhận những cơ sở, bệ phóng cho việc duy trì đà tăng trưởng mạnh nửa cuối năm 2024 và cho cả năm 2024.

Tăng trưởng tín dụng tích cực

HDBank hiện là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tích cực trong hệ thống. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hợp nhất đạt 13% trong 6 tháng đầu năm 2024, vượt trội so với mức 6% toàn hệ thống, theo BCTC quý II/2024. Với mục tiêu tăng trưởng tính dụng toàn hệ thống đạt 15%, và tiến độ tăng trưởng tín dụng tích cực trong nửa đầu năm, cùng với định hướng đẩy mạnh tín dụng, điều chuyển room tín dụng giữa các ngân hàng, FIDT kỳ vọng HDBank có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng kế hoạch 24% trong 2024, phù hợp với kế hoạch, với động lực đến từ (1) tiếp tục đẩy mạnh cho vay bất động sản (BDS) (2) cho vay bán lẻ và tài chính tiêu dùng sẽ bắt đầu tăng tốc khi nền kinh tế dần hồi phục.

hdb5.jpg

HDBank ngoài ra có thể được NHNN nới room tín dụng (hạn mức hiện tại ~ 15%) nhờ việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém và duy trì đẩy mạnh tín dụng ở các ngành nghề được NHNN hỗ trợ.

Từ phía HDBank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, sở dĩ ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tích cực, kể cả trong giai đoạn hệ thống có sự chậm lại trong mở rộng dư nợ, là do HDBank sở hữu tệp khách hàng chất lượng (gần 18 triệu khách hàng), với định hướng thúc đẩy tín dụng nhóm SME, tín dụng xanh và bán lẻ, bao gồm các đóng góp của chương trình hỗ trợ tiêu dùng tại HD Saison.

HDB 1

Riêng về HD Saison, chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến với nhà đầu tư của HDBank mới đây, ông Đàm Thế Thái - Phó Tổng Giám đốc HD Saison, cho biết Cty ghi nhận lợi nhuận trước thuế vào ngân hàng mẹ đạt 601 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, gấp đôi cùng kỳ năm trước (314 tỷ đồng) và gần bằng lợi nhuận cả năm 2023 (660 tỷ đồng).

Yếu tố chính giúp HD Saisonđạt được kết quả trên là nhờ biên lãi thuần (NIM) tiếp tục tăng thêm 1 điểm % so với cuối 2023, đạt mức 30%. Chất lượng tài sản cũng được cải thiện hơn, khi tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2024 là 7,5% - giảm nhẹ so với mức 7,9% ở cùng kỳ năm ngoái, là tỷ lệ nợ xấu khá thấp xét trong nhóm công ty tài chính tiêu dùng.

Theo đó, HD Saison tự tin với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 25% và lợi nhuận sau thuế đạt hoặc vượt 1.000 tỷ đồng đã đề ra trong năm 2024.

Đối với mảng tín dụng xanh, HDBank cũng vừa thông tin, trong tháng 8/20204, ADB đã nâng hạn mức tài trợ thương mại dành cho HDBank từ 145 triệu USD lên 200 triệu USD đối với hoạt động Bảo lãnh, tài trợ thương mại và vay tín dụng tuần hoàn, trên cơ sở ADB đánh giá cao hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các chuỗi giá trị, cũng như việc minh bạch sử dụng nguồn vốn của HDBank.

NIM dự phóng tăng từ mở rộng CASA

Trong chiến lược của mình, từ những năm trước, lãnh đạo HDBank đã thông tin kế hoạch đẩy mạnh mở rộng chi nhánh ở các khu vực nông thôn và thành thị loại 2 - mang đến khả năng tăng tốc về cho vay và các sản phẩm dịch vụ tài chính với chi phí thấp hơn. Thị trường đặc thù này hiện đang được HDBank “khoan sâu” trên lợi thế của điểm giao dịch ngân hàng rộng mở theo hệ sinh thái lớn nhất Việt Nam với 362 điểm giao dịch ngân hàng trong nước và quốc tế; Riêng HD Saison có 25.103 điểm giới thiệu dịch vụ (POS) phủ khắp 63/63 tỉnh và thành phố.

hdb3.jpg

Điều này theo đánh giá, sẽ có tác động tích cực đến mức độ phủ sóng của HDBank, từ đó tác động trực tiếp đến huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng. Thực tế, theo FIDT, tuy CASA của HDBank ở mức thấp, nhưng đã ghi nhận cải thiện 1,4 điểm phần trăm trong quý II/2024, lên mức 9,9% trong quý II/2024.

HDBank đang hưởng lợi về mặt chi phí vốn khi khoảng tiền gửi tăng trưởng đột biến trong năm 2023 đang được chuyển về mức lãi suất thấp hơn, từ đó dẫn đến chi phí vốn (CoF) giảm. Kỳ vọng HDBank sẽ tiếp tục ghi nhận cải thiện CoF trong nửa sau 2024, hưởng lợi từ mức tăng của CASA. Sự hưởng lợi này sẽ bù đắp cho xu hướng lãi suất tiết kiệm dần tăng lên trong 2H2024 khi tín dụng bắt đầu tăng tốc.

Về phía đầu ra, với bối cảnh cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng và tín dụng bán lẻ chưa thật sự hồi phục, động lực tăng lợi suất trên tài sản sinh lãi (IEA yield) của HDBank chủ yếu ở (1) tăng trưởng tín dụng kỳ vọng mạnh mẽ (2) chiến lược mới của ngân hàng nhằm cải thiện thu nhập lãi từ hoạt động tín dụng. Cụ thể, thu nhập không chịu lãi (NII) khác của HDBank đã tăng đáng kể trong 3 quý vừa qua, một phần là do (1) áp dụng phí cam kết giải ngân, phí cấp hạn mức tín dụng và (2) tái cơ cấu một số sản phẩm tín dụng, bao gồm gia tăng tỷ trọng thu nhập lãi so với thu nhập phí. FIDT dự phóng NIM của HDBank sẽ đạt 5,44% (+ 0,62 điểm phần trăm YoY), duy trì mức cao nhất ngành. Trong trung hạn, khi nền kinh tế thực sự hồi phục, tín dụng bán lẻ và tài chính tiêu dùng – thế mạnh của HDBank và có mức NIM cao hơn – sẽ hưởng lợi mạnh mẽ và sẽ mang lại động lực tăng trưởng NIM cho HDBank.

hdb2.jpg

“HDBank không sở hữu lợi thế về chi phí vốn khi sở hữu mức CASA tương đối thấp so với ngành (9,9% so với trung bình 24% toàn ngành), ngân hàng vẫn tạo ra mức NIM vượt trội và đứng thứ 2 trong danh mục ngân hàng chúng tôi theo dõi (sau VPB).

Sở dĩ, HDBank có IEA yield nằm trong top cao nhất ngành khi 90% danh mục cho vay là khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn cho mức lãi suất cho vay cao hơn nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn. Đồng thời, việc đẩy mạnh thị trường nông thôn và sở hữu HD Saison mang lại cho HDB lợi suất cao hơn đáng kể so với ngành (NIM của HD Saison đạt 30 – 40%). Nhờ vậy, bất kể CoF cao so với bình quân ngành, HDB vẫn đạt được mức NIM cao.

Đáng chú ý, NIM của HDB ghi nhận cải thiện 3 quý liên tiếp, phần lớn do (1) tăng trưởng tín dụng mạnh kể từ quý IV/2023 (2) chi phí huy động CoF bắt đầu cải thiện từ mức nền cao trong 2023 (phần lớn do HDBank ghi nhận tăng trưởng tiền gửi đột biến 71,8% trong 2023, và phần lớn các khoảng huy động được chuyển sang mức lãi suất thấp hơn) (3) chiến lược mới của ngân hàng nhằm cải thiện thu nhập lãi từ hoạt động tín dụng sẽ hỗ trợ việc mở rộng NIM tại ngân hàng mẹ. NIM của HDB cải thiện 3 quý liên tiếp, trái ngược với xu hướng NIM toàn ngành”, chuyên gia của FIDT phân tích.

Ngoài ra, HDBank là một trong những nhà băng luôn đề cao việc đảm bảo hệ số an toàn vốn CAR - một hệ số quan trọng trong việc xét duyệt hạn mức tín dụng của các ngân hàng qua từng năm.

Cùng HDB, các ngân hàng như TCB, VPB, TPB cũng giữ CAR trên 12% theo Basel III.

HDBank thể hiện sự thận trọng và an toàn với hệ số an toàn đứng đầu ngành. CAR của HDBank thể hiện ngân hàng đang có bộ đệm vốn cao và an toàn hơn trong các giai đoạn rủi ro của ngành. Sự an toàn này đem lại lợi thế tăng trưởng dư nợ tín dụng trong ngắn và trung hạn mà không áp lực tăng vốn chủ sở hữu, khối Phân tích FIDT đánh giá.

Lợi thế đối tác chiến lược

Bên cạnh đó, HDBank có lợi thế cạnh tranh đến từ đối tác chiến lược. Cụ thể, HDBank có lợi thế cạnh tranh thúc đẩy tăng trưởng dài hạn từ quan hệ hợp tác chiến lược với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Mối quan hệ này hỗ trợ HDB quản lý chi phí huy động (vốn đang rất cao) và cho phép HDBank đổi mới mô hình hoạt động cho vay của ngân hàng. Hiện tổng giá trị giải ngân hợp tác giữa IFC và HDBank đã đạt hơn 200 triệu USD và đang tiếp tục gia tăng, phát triển trong thời gian tới. Việc tiếp cận nguồn vốn ngoại giá rẻ đã hỗ trợ HDBank một phần bất lợi về chi phí vốn do CASA thấp.

Phải nói thêm, HDBank còn có lợi thế về uy tín, khả năng tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ khác như vốn từ ADB đã nêu ở trên. Bên cạnh đó là sự đồng hành của các quỹ quốc tế, điển hình như DEG của Ngân hàng Tái thiết Đức...

Chất lượng tài sản cải thiện, tuy còn áp lực nợ xấu

HDBank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2/tổng dư nợ cải thiện khi lần lượt giảm trong quý II/2024, về lần lượt 2,1% và 4,5% so với quý trước. Phần lớn nợ xấu là nợ cho vay tiêu dùng của HD Saison (số liệu quý I là ~28% tổng nợ xấu) và nợ cho vay bán lẻ. Nợ xấu mới hình thành ghi nhận giảm tích cực trong quý II/2024. Kể từ khi nợ xấu mới hình thành của HDB tăng tốc từ quý IV/2022, ngân hàng đã đẩy mạnh xử lý nợ để ổn định nợ xấu khi tỷ lệ write – off duy trì ở mức cao. Đồng thời, HD Saison cũng tích cực xử lý nợ do bản chất của các khoảng vay tài chính tiêu dùng.

hdb6.jpg

FIDT kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của HD Saison sẽ được cải thiện vào năm 2024, nhờ (1) tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh hơn trong 2H2024, (2) nâng cao quy trình thẩm định tín dụng và (3) hoạt động kinh tế dần ấm lên sẽ cải thiện khả năng trả lãi của khách hàng. FIDT kỳ vọng HDBank sẽ duy trì đẩy mạnh write – off - xử lý nợ, để kiểm soát nợ xấu trong những quý tới.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của HDBank đã giảm về vùng thấp do đẩy mạnh write – off, tuy ghi nhận cải thiện nhẹ trong quý II lên mức 59% khi hình thành nợ xấu hạ nhiệt. Chuyên gia đánh giá, mức LLCR này tương đối ổn trong thời kỳ tăng trưởng ổn định của ngành, tuy nhiên đối với bối cảnh nợ xấu mới hình thành còn cao như hiện nay thì bộ đệm dự phòng hiện tại của HDBank còn tương đối mỏng, nhất là khi tỷ lệ nợ nhóm 2 của HDB thuộc top cao trong ngành.

FIDT dự phóng thận trọng đối với chi phí tín dụng của HDBank ở mức 1,32% trong 2024 (so với mức trung bình 1,1% trong giai đoạn 2020 – 2023).

Có 2 điểm rất đáng chú ý về việc đánh giá tiềm năng đối với tăng trưởng kỳ vọng của HDBank trong tương lai và cũng là động lực được nhà đầu tư chờ đón, góp phần đẩy kỳ vọng thị giá cổ phiếu HDB.

Tiềm năng từ mảng bancasurrance

Mặc dù thị trường bán chéo bảo hiểm - ngân hàng (bancassurance) hiện vẫn đang tái cơ cấu và dần có tín hiệu phục hồi trở lại sau khủng hoảng, theo FIDT, kỳ vọng (1) bancassurance vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển vì Việt Nam có tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm thấp hơn so với các nước trong khu vực và (2) việc nâng cao chất lượng kênh bancassurance là cần thiết để cải thiện doanh số tái tục trong tương lai. Do đó, khối Phân tích dự phóng HDBank sẽ nhận được khoản phí upfront (độc quyền trả trước) khoảng 5 – 8 nghìn tỷ VND từ việc ký kết hợp đồng độc quyền với một công ty bảo hiểm nhân thọ, dựa trên tham khảo từ các hợp đồng bancassurance độc quyền trước đó.

Tuy nhiên, lưu ý rằng nếu nhìn rộng ra thị trường bancassurance hiện vẫn đang được “sắp xếp lại” như đề cập, với các chính sách, quy định ngày càng đưa thị trường chặt chẽ, minh bạch, hoạt động thực chất để đáp ứng trúng, đúng nhu cầu của người dân đối với sản phẩm bảo hiểm, thì có thể kỳ vọng ghi nhận giá trị này chưa thể xảy ra trong ngắn hạn. Một chuyên gia cho rằng với tầm nhìn và toan tính của các banker tầm cỡ tại HDBank, chắc chắn họ sẽ sàng lọc để có một đối tác đồng hành xa và hiệu quả nhất trong mảng banca, cũng như bắt tay ở một thời điểm thuận lợi cho giá upfront cao nhất.

Tiềm năng cổ đông chiến lược nước ngoài

HDBank muốn xin ý kiến cổ đông thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài còn 17,5%, giảm từ mức 20% hiện được quy định tại Điều lệ. Thông tin này đã được HDBank đưa ra từ tháng 6/2024 và đến nay vẫn còn được nhà đầu tư quan tâm.

Đây ra động thái HDB chuẩn bị cho kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tuy nhiên HDB chưa gửi văn bản đề xuất chính thức cho cổ đông.

Việc thu hút sự tham gia của nhà đầu tư ngoại cũng được nhận định sẽ mang lại nguồn lực tài chính cho HDBank, hỗ trợ ngân hàng gia tăng bộ đệm vốn và hỗ trợ về công nghệ, quản trị, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Nhờ tiếp nhận ngân hàng yếu kém, HDBank hoàn toàn có thể được NHNN “nới room” ngoại - FOL lên mức 49% trong tương lai.

Trên thực tế từ nhiều năm trước, ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, theo Vietcap, HDB và STB, VPB, là 3 trong số các ngân hàng được kỳ vọng có khả năng nới room ngoại lên mức “ngoại lệ” 49%. Trong đó hiện chỉ có HDBank chưa có đối tác cổ đông chiến lược ngoại và STB còn dư địa kỳ vọng lớn từ khoản hơn 32% cổ phần STB của ông Trầm Bê đang được xử lý để đấu giá theo đề xuất. Riêng VPB đã có đối tác chiến lược ngoại SMBC.

Thương vụ bán vốn cổ đông ngoại đồng thời cũng sẽ mang lại một mức định giá mới cho HDB. Dựa trên mức định giá của các thương vụ mua bán cổ phần trong những năm gần đây, HDB có thể bán vốn cho cổ đông ngoại với mức định giá trong vùng 1.5 – 3 lần BVPS, theo FIDT, dù chưa có thông tin cụ thể về tỷ lệ bán và kế hoạch chi tiết của HDB.

Kết hợp phương pháp Chiết khấu thu nhập thặng dư và phương pháp P/B mục tiêu để đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu HDB, với trọng số bằng nhau (50%) cho cả hai phương pháp, FIDT nêu kết quả định giá của 2 phương pháp với giá cổ phiếu mục tiêu 35.120 đ/cp. Upside 30% từ vùng giá 27.000 hiện tại.

Lê Mỹ