Kinh doanh khó khăn, Volkswagen tính đóng cửa nhà máy ô tô ở Đức
Tổng giám đốc tập đoàn nói: “Vấn đề ở đây là chi phí, chi phí, và chi phí”.
Ngành công nghiệp ô tô châu Âu, đặc biệt là Đức, đang trong tình hình rất khó khăn, cùng với việc các đối thủ cạnh tranh đang thâm nhập nhập vào thị trường Đức khiến việc kinh doanh của Volkswagen - một trong những hãng ôtô hàng đầu thế giới và là nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu, ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của mình, Volkswagen đang cân nhắc kế hoạch đóng cửa các nhà máy ở Đức. Nỗ lực này nhằm cắt giảm chi phí và cố gắng chấm dứt thỏa thuận bảo đảm việc làm với các công đoàn lao động tồn tại từ năm 1994.
Tổng giám đốc tập đoàn Volkswagen, ông Oliver Blume cho biết: “Chủ trương hành động của chúng tôi là cắt giảm chi phí, bao gồm chi phí nhà máy, chuỗi cung ứng và nhân công. Về mặt tổ chức, chúng tôi đã sắp xếp ổn thoả. Vấn đề còn lại bây giờ là chi phí, chi phí và chi phí”.
Volkswagen đã bắt đầu cắt giảm chi phí 10 tỷ euro (khoảng 11,1 tỷ đô la) vào cuối năm ngoái. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó là công ty này đang mất dần thị phần tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của mình. Trong nửa đầu năm, doanh số bán hàng tại quốc gia này đã giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn giảm 11,4% xuống còn 10,1 tỷ euro (khoảng 11,2 tỷ đô la).
Volkswagen hoạt động kém hiệu quả tại Trung Quốc do bị các thương hiệu xe điện nội địa áp đảo, đặc biệt là BYD. Thậm chí, BYD có thể còn là mối đe dọa đối với cả hoạt động kinh doanh của Volkswagen tại “quê nhà” Châu Âu của hãng xe Đức này.
Thomas Schaefer, Tổng giám đốc mảng xe du lịch Volkswagen, cho biết công ty vẫn cam kết Đức sẽ vẫn là một trụ sở kinh doanh. Ông nói thêm rằng VW sẽ khẩn trương bắt đầu các cuộc đàm phán với đại diện của nhân viên để tìm hiểu khả năng “tái cấu trúc thương hiệu một cách bền vững”.
Volkswagen cho biết “tình hình cực kỳ căng thẳng và không thể giải quyết thông qua các biện pháp cắt giảm chi phí đơn giản”.
Các kế hoạch cắt giảm chi phí của Volkswagen sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các đại diện lao động, những người nắm giữ gần một nửa số ghế trong ban giám sát của công ty, cơ quan bổ nhiệm các giám đốc điều hành.
IG Metall, một trong những công đoàn hùng mạnh nhất của Đức, hôm thứ Hai đã đổ lỗi cho sự quản lý yếu kém của công ty đã dẫn tới “thảm cảnh” này và tuyên bố sẽ đấu tranh để bảo vệ việc làm.
Theo số liệu gần đây nhất, Volkswagen đang sử dụng gần 683.000 công nhân trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 295.000 công nhân tại Đức.