“Độ hybrid” cho xe máy xăng có an toàn khi tham gia giao thông?
Trên mạng xã hội đang bàn tán nhiều về trào lưu lắp thêm động cơ điện vào bánh trước cho xe máy xăng, còn được gọi là “độ hybrid”. Liệu đây có phải là một giải pháp hiệu quả và an toàn?
Xem một số clip trên mạng sẽ thấy, những người có nhu cầu “độ hybrid”, sẽ tìm mua một chiếc bánh xe đã có sẵn động cơ điện, thay vào bánh trước của xe máy xăng thông thường. Trên thị trường đang bán nhiều loại bánh xe có động cơ điện đủ các kích cỡ, có thể lắp cho nhiều loại xe máy từ Wave Alpha đến Leed, Vision, Air Blade, Nouvo… Mỗi xe có một loại động cơ, với kích thước được thiết kế riêng, để lắp vừa vào giảm xóc trước. Ắc quy điện, cùng phụ kiện sẽ được đặt trong cốp xe máy xăng và dòng dây vào động cơ ở bánh trước. Còn trên tay lái, gần nút đề của động cơ xăng, người ta sẽ gắn thêm một cái công tắc, để khởi động động cơ điện.
Sau khi đã “độ hybrid” thì chiếc xe máy có thể chạy bằng nguồn năng lượng điện, với động cơ dẫn động từ bánh trước mà không hề tốn xăng. Khi hết điện, xe có thể khởi động động cơ xăng và chạy bình thường. Điều này sẽ khắc phục được bất cập của xe điện hiện tại là thiếu trạm sạc khi đi xa, tiết kiệm chi phí đổ xăng... Tổng chi phí “độ hybrid” tốn từ 3- 5 triệu đồng tùy từng xe.
Một số người đã “độ hybrid” cho biết, lắp động cơ điện rồi thì tắt máy xăng, chỉ chạy điện bánh trước thôi, không tốn tý xăng nào cả. Chỉ khi nào đi xa, hết điện thì mới bật máy xăng lên chạy dự phòng. Đi trong thành phố, mỗi tháng chỉ đổ 50.000 đồng tiền xăng dự phòng mà chưa chắc phải dùng đến. Bình ắc quy đủ chạy 30- 40 km, đáp ứng nhu cầu đi lại trong ngày. Chiếc xe này vẫn chở được 2 người và chạy tốc độ lên tới 70km/h chẳng sao cả.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về cách “độ” này. Nó sẽ làm tăng trọng lượng bánh trước, khi chạy tốc độ cao sẽ rất khó đổi hướng, do quán tính và lực li tâm. “Độ chế” kiểu này làm trọng tâm xe bị thay đổi, dễ dẫn đến tai nạn khi sử dụng.
Xe 2 bánh mà dùng bánh trước kéo thì liệu có nguy hiểm quá không? So với dẫn động bánh sau thì độ an toàn thấp hơn nhiều, nhất là các trong hợp phanh gấp, hoặc vào cua. Khi vào cua, bắt buộc bánh trước sẽ phải ngừng nhận động năng từ động cơ để kiểm soát góc lái. Còn vào cua mà bánh trước vẫn có lực kéo mạnh, nguy cơ dễ mất lái, nhất là ở tốc độ cao.
Về kết cấu xe và khung sườn không thay đổi để chịu lực, trong khi phải “gánh” thêm ắc quy, động cơ điện, gia tốc lớn sẽ tạo lực ép, lực xé khi phanh. Hệ thống giảm sóc trước không được thiết kế để dẫn động bằng bánh trước, ảnh hưởng tới độ cân bằng của xe, tăng quãng đường phanh, giảm độ bền cơ khí các chi tiết ở phần đầu xe. Đã “độ”, “chế” thì không có tính toán hợp lý từ thiết kế ban đầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhiều thông số kỹ thuật và lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới an toàn.
Cốp xe máy sẽ phải hy sinh để chứa ắc quy. Với động cơ 1000W thì ắc quy cũng lớn. Để ắc quy trong cốp ngay dưới chỗ ngồi cũng đáng sợ, vì không gian đó ban đầu không được thiết kế dành cho việc này.
Nói về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Ô tô, Xe đạp, Xe máy Việt Nam (VAMOBA) cho biết, thời gian qua có một số người lắp thêm động cơ điện cho xe máy xăng, từ những linh kiện trôi nổi bán trên thị trường. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào các cá nhân. Cơ quan quản lý không cho phép và các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy không làm việc này. Đây là hình thức “độ” xe cần cảnh báo và ngăn chặn. Những chiếc xe “độ” kiểu này, sẽ không đảm bảo kết cấu ban đầu, sẽ mất cân bằng, gây nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông. Nếu người sử dụng lại kết hợp cùng lúc chạy cả động cơ xăng lẫn động cơ điện rất nguy hiểm, bởi không có cơ chế đồng bộ tốc độ giữa 2 động cơ.