Cần chính sách đồng bộ để bảo tồn và phát triển nguồn gen
Việc nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu là một hoạt động chuyên sâu, đòi hỏi đầu tư bài bản và dài hạn để bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu, đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến năm 2023, thông qua các nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, tổng số nguồn gen được thu thập và lưu giữ được là 80.911, trong đó có 47.772 nguồn gen thực vật nông nghiệp, 5.768 nguồn gen cây lâm nghiệp, 7.039 nguồn gen dược liệu, 891 nguồn gen vật nuôi, 391 nguồn gen thủy sản, 19.050 nguồn gen vi sinh vật. Đặc biệt, trong những năm gần đây số lượng nguồn gen có giá trị làm thuốc đã được phát hiện và thu thập, bảo tồn khoảng trên 7.000 nguồn gen.
Cho đến nay, chúng ta đã đánh giá ban đầu trên 55.800 nguồn gen, đánh giá chi tiết trên 14.100 nguồn gen. Bên cạnh đó, đã khai thác sử dụng hiệu quả, phát triển nhiều nguồn gen quý hiếm có giá trị kinh tế thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, dược liệu, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật…
Các nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen đã được triển khai với trên 300 nguồn gen động, thực vật và trên 700 nguồn gen vi sinh vật, trong đó làm chủ được 178 quy trình công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật về nhân giống, chọn tạo giống, canh tác, nuôi và chăm sóc các nguồn gen; triển khai 129 mô hình thử nghiệm ứng dụng kỹ thuật và nhân rộng kết quả trong thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội tại nơi triển khai. Các nhiệm vụ cũng đã xây dựng được hàng trăm tiêu chuẩn cơ sở, bao gồm tiêu chuẩn đàn hạt nhân, cây trội, đàn giống, đàn sản xuất, cây con thương phẩm…
Các kết quả trên là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của công tác bảo tồn, đánh giá và phát triển nguồn gen trong cả nước thời gian qua. Song, nhiều ý kiến cho rằng, việc nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu là một hoạt động chuyên sâu, đòi hỏi đầu tư bài bản và dài hạn để bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu, đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hơn 10 năm qua, công tác bảo tồn, khai thác, sử dụng nguồn gen đã được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Nhiều nguồn gen quý của Việt Nam đã được phục tráng, bảo tồn, lưu giữ. Đó là cơ sở quan trọng để phục vụ việc khai thác và phát triển, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần gìn giữ sự đa dạng sinh học của quốc gia.
“Chúng ta cần tập trung hoàn thiện Hệ thống quản lý dữ liệu về nguồn gen quốc gia và Mạng lưới cơ sở quỹ gen quốc gia, đồng thời thúc đẩy các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho các trung tâm lưu giữ, bảo tồn nguồn gen. Cùng với đó, cũng cần đẩy mạnh việc khai thác và phát triển một cách hợp lý các nguồn gen đã được phục tráng, bảo tồn nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, cần tập trung chọn lọc các nguồn gen có tính trạng quý, hiếm, có giá trị kinh tế để tiếp tục nghiên cứu tạo ra các giống đặc hữu của Việt Nam, từ đó phát triển thành một số sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cho rằng, thời gian tới, công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cần tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa. Muốn làm được điều đó, cần có chính sách đồng bộ trong việc chia sẻ nguồn gen giữa các mạng lưới quỹ gen, giữa các đơn vị cá nhân tổ chức, giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nghiên cứu nguồn gen lưu trữ bảo tồn cần có cơ chế phù hợp nhất để không mất nguồn gen nhưng cũng không quá nặng nề về số lượng; cần sớm có có chế bàn giao nguồn gen quý hiếm; quy chế hoạt động cụ thể cho mạng lưới quỹ gen; cơ chế đặc thù cho những nguồn gen đặc biệt…
Được biết, Dự thảo Luật Dược sửa đổi (Dự thảo) so với Luật Dược năm 2016 có nhiều điểm mới, trong đó sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, bổ sung các chính sách phù hợp, mang tính đột phá hơn so với Luật Dược 2016 để thu hút đầu tư và thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, chuyên khoa đặc trị; đặc biệt là nghiên cứu.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, góp ý Dự thảo, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị xem xét kỹ hơn điểm b khoản 1 Điều 8 (nội dung liên quan đến việc nuôi trồng dược liệu và nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu nên được tách thành hai nội dung riêng biệt).
Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, việc nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu là một hoạt động chuyên sâu, đòi hỏi đầu tư bài bản và dài hạn để bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu.
“Đây là một nhiệm vụ đặc thù, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Trong khi đó, việc nuôi trồng dược liệu là một hoạt động sản xuất, nhằm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp dược. Hoạt động này có thể được khuyến khích tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định”, ông Thành nhấn mạnh.