Doanh nghiệp

Thách thức trong đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững của doanh nghiệp

Lê Mỹ 07/09/2024 03:34

Sự kiên định của doanh nghiệp, đồng hành của các đối tác, khách hàng, sẽ giúp doanh nghiệp vượt thách thức trong đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Đây là một trong số các điểm chung từ kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, và doanh nghiệp Việt Nam đang vươn tầm quốc tế, được chia sẻ tại hội nghị thường niên do UOB tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

betrimex.jpg
Người tiêu dùng hiện đã có hành vi tiêu dùng xanh, ưu tiên các sản phẩm xanh và sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm của doanh nghiệp ESG. (Ảnh minh họa: Betrimex)

Chia sẻ về kinh nghiệm Quản trị chuỗi cung ứng, ông Bùi Khánh Nguyên - Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển bền vững của Coca Cola Việt Nam nhắc đến lịch sử có mặt 30 năm tại Việt Nam. Theo ông, nhờ sự có mặt suốt 3 thập kỷ ở Việt Nam, Coca Cola Việt Nam nhìn nhận thấy có nhiều chính sách thay đổi mạnh mẽ ở Việt Nam và những công ty lớn. Chẳng hạn như Coca Cola Việt Nam là tập đoàn toàn cầu nên chịu nhiều áp lực, phải tuân thủ các chính sách khác nhau ở cả nước sở tại mà cả quốc tế trong quá trình tìm nguồn cung ứng.

Đơn cử như ở khía cạnh tuân thủ chính sách thì có nhiều tiêu chuẩn áp đặt lên doanh nghiệp, nhất là quy định EPR (Extended Producer Responsibility, một chính sách môi trường đòi hỏi nhà sản xuất hoặc nhập khẩu chịu trách nhiệm cho các sản phẩm của mình trong suốt vòng đời sản phẩm, từ giai đoạn thiết kế đến hậu cần và tái chế) mà công ty bắt buộc phải thực hiện cũng như đang nỗ lực đóng góp tích cực cho lộ trình phát triển bền vững ở Việt Nam.

Đối với ESG, ông Nguyên cho rằng tính chống chịu của chuỗi cung ứng rất quan trọng vì sau đại dịch chuỗi cung ứng có gián đoạn đứt gãy, nên các công ty phải đối mặt và phải chống chịu. Công nghệ sẽ là chìa khóa để giải quyết. Theo đó, ông tiết lộ Coca Cola Việt nam hiệnđang xây dựng nhà máy thứ tư, vị trí ở Long An, sử dụng công nghệ hàng đầu để đảm bảo nhà máy xanh hơn, sản xuất tốt hơn. "Đó là cách chúng tôi tận dụng làn sóng mới, nhân tố mới, động lực mới cho chúng tôi thành doanh nghiệp phát triển bền vững, là đối tác bền vững cho chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Nguyên cho biết.

Đồng thời ông cho rằng vai trò của người tiêu dùng mới là quan trọng hàng đầu. "Thực tế muốn phát triển bền vững, chúng tôi không thể làm đơn độc, trong khi đó khi đầu tư cho phát triển bền vững chi phí sẽ cao. Chúng tôi cần giúp người tiêu dùng hiểu được để họ sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm theo hướng xanh hơn. Chúng tôi cũng đang đầu tư mạnh hơn. Theo quan sát của chúng tôi thì xu hướng đang thay đổi nhanh, khách hàng đã sẵn sàng trả nhiều hơn cho sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh", ông nói.

Từ góc nhìn của Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (TTC AgriS, HoSE: SBT) kiêm Chủ tịch Betrimex - doanh nghiệp đầu ngành sản xuất và xuất khẩu dừa, bà Đặng Huỳnh Ức My cho biết, với các công ty mà bà lãnh đạo, đặt lên hàng đầu là sứ mệnh chuyển đổi nông nghiệp tăng cường tính bền vững, làm cho nông nghiệp xanh sạch. "Chúng tôi có kinh nghiệm nhiều năm xây dựng nền nông nghiệp, lấy khách hàng làm trọng tâm và chúng tôi mang đến khái niệm chuyển đổi, thuyết phục được người nông dân cùng chung tay với mình trong hành trình này".

Bà My cũng nhấn trong quá trình chuyển đổi, nguồn tài chính xanh có ý nghĩa quan trọng. Chẳng hạn UOB đã cung cấp tài chính xanh qua Betrimex để cung cấp cho nông dân làm nông nghiệp bền vững, hướng đến phát triển bền vững cho nông nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp đóng vai trò là chất xúc tác kết nối để mọi người, kết nối người nông dân cùng nguồn vốn xanh, cùng khách hàng sử dụng sản phẩm thuần tự nhiên.

"Hiện nay, doanh nghiệp Việt hoạt động ở nhiều quốc gia, chúng ta cũng đang có động lực mạnh ở châu Á. Đây là cơ hội lớn để tận dụng sức mạnh cộng hưởng đáp ứng nhu cầu thị trường, kết hợp sản phẩm tài chính, biến hành động thành kết quả", Chủ tịch TTC AgriS khẳng định.

Có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực logistic, ông Bernardo Bautista - Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc quốc gia DHL Express Việt Nam cho rằng, để bàn về đổi mới sáng tạo trong quản trị chuỗi cung ứng bền vững, yếu tố đầu tiên phải có ở doanh nghiệp chính là niềm tin.

logistic.jpg
Đầu tư logistic xanh là một trong những yêu cầu, cũng là thách thức của doanh nghiệp logistic. (Ảnh minh họa: DHL)

Theo đó, DHL Express Việt Nam thực hành cấp điện cho nhiều khu vực, sử dụng năng lượng sạch và đến hiện tại hơn 90% lượng khí thải tạo ra từ quá trình vận hành của DHL đã có phương án xử lý. "Chúng tôi nhấn mạnh vào việc phải cố gắng xây dựng doanh nghiệp mang tính cải tiến và có khả năng bền vững. Đồng thời suy nghĩ về giải pháp để giảm thiểu sử dụng năng lượng điện than, qua đó tạo ra chương trình cho phép người dùng chia sẻ hành trình, là cầu nối để chuyển sang năng lượng sạch hơn.

Khi sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giá thành sẽ cao hơn. Chúng tôi phải giải thích với khách hàng rằng giá thành có tăng nhưng chúng tôi sử dụng để đầu tư chiến dịch cải tiến, bền vững… , cho họ thấy chính mình đang trực tiếp, gián tiếp đóng góp xây dựng hành tinh bền vững hơn", ông nói.

Cũng từ góc nhìn về năng lượng - lĩnh vực có tác động trực tiếp đến phát thải carbon và biến đổi khí hậu, theo ông Yoon Young Kim​​ - Chủ tịch ​Schneider Electric khu vực Singapore và Brunei, trong bài toán cải tiến, khắc phục ô nhiễm môi trường và tiêu tốn nhiều tài nguyên, giải pháp hướng tới bền vững từ công nghệ thông tin chỉ chiếm 2%.

Do đó, thay vì chỉ nhắc đến AI, cần phải chuyển hướng nhìn về khoa học dữ liệu. Hãy hình dung chúng ta đặt ra nhiều vấn đề, khi nói từng vấn đề thì yêu cầu từng lĩnh vực có thể đáp ứng về bền vững ra sao. Nếu như Việt Nam là điểm kết nối cho thế giới hướng đến giải quyết bài toán bền vững thì ứng dụng dữ liệu và sự kết nối để xử lý vấn đề sẽ rất quan trọng, ông cho biết.

"Hành trình quản trị chuỗi cung ứng, đổi mới để phát triển bền vững không phải muốn đi thì đi ngừng thì ngừng, mà cần phải có sự dẫn dắt nếu không sẽ không đi đâu về đâu. Tôi nghĩ rằng là trong cả quá trình phải có sự đóng góp trở lại này là định tính, định lượng, phải có đảm bảo đóng góp trở lại", ông Yoon Young Kim nói.

Ngoài ra, theo bà Đặng Huỳnh Ức My, cần lưu ý đến quản trị nguồn lực trong quá trình đổi mới để phát triển bền vững. "Chúng ta có thể sử dụng chung nguồn lực, nhưng không được lãng phí nguồn lực, không phí thời gian mà doanh nghiệp phải ưu tiên; đồng thời phải chú ý hơn quy trình, hướng tới mục tiêu cao hơn, đa dạng hóa mảng kinh doanh… nhằm tối đa hóa hiệu suất nguồn lực".

"Trong vai trò quan trọng của chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Đông Nam Á và Việt Nam chắc chắn sẽ xây dựng phát triển nguồn lực bền vững, không chỉ đáp ứng quy định mà phải đạt lợi nhuận lâu dài, hướng tới tương lai. Sự đóng góp trở lại của các công ty cho hành trình bền vững sẽ cần vai trò kết nối của các thể chế tài chính như UOB. Chúng tôi đã, đang cam kết có mặt, kết nối, hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp suốt hành trình này", ông Adrian Ow, Trưởng Bộ phận Giải pháp ESG, Khối Giải pháp ngành Ngân hàng UOB (Singapore) cho biết.

Lê Mỹ