Xanh hóa ngành dệt may đáp ứng tiêu chuẩn thị trường và thúc đẩy năng suất
Bối cảnh chuyển đổi số và yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường quốc tế, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn.
Việc ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và áp dụng các tiêu chuẩn xanh không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn là yếu tố quyết định để ngành đạt được sự phát triển bền vững và gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Tiêu chuẩn là nền tảng cho tăng năng suất chất lượng dệt may
TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc Gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành dệt may là yếu tố sống còn. "Năng suất và chất lượng là một trong những công cụ cạnh tranh hiệu quả nhất của ngành dệt may," TS. Hà Minh Hiệp nhận định.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh và các biện pháp thực hành bền vững đang trở thành yêu cầu bắt buộc từ các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới. Do đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng và áp dụng các tiêu chuẩn này để duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng từ thị trường quốc tế, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam về dệt và may mặc đã được xây dựng và phát. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 313 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) trong lĩnh vực này, trong đó, nổi bật là các tiêu chuẩn về xác định các chất độc hại tồn dư trong sản phẩm dệt may như: TCVN 12512-1:2018, TCVN 12512-3:2018, TCVN 7421-1:2013 và TCVN 7421-2:2013... Các tiêu chuẩn này được xây dựng chủ yếu dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế (ISO) và tiêu chuẩn châu Âu (EN), đảm bảo mức độ hài hòa cao với các thông lệ quốc tế.
Việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn này đã giúp sản phẩm dệt may Việt Nam dễ dàng thâm nhập các thị trường khó tính như châu Âu và Hoa Kỳ. Điều này đặc biệt quan trọng khi các thị trường này ngày càng đề cao các tiêu chuẩn về môi trường và trách nhiệm xã hội.
TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, nhận định, để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, ngành dệt may Việt Nam đã tích cực áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã áp dụng thành công các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến như Lean, TPM, Kaizen và các công cụ quản lý hiện đại khác. Những mô hình này giúp doanh nghiệp loại bỏ lãng phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất, và cải thiện hiệu quả hoạt động, từ đó nâng cao năng suất và sức cạnh tranh trên thị trường.
Các Công ty CP May Việt Tiến, Tổng công ty May 10, Tổng công ty Đức Giang và nhiều doanh nghiệp khác đã áp dụng công cụ Lean vào sản xuất, mang lại những kết quả ấn tượng. Ví dụ, nhờ áp dụng Lean, Tổng công ty May 10 đã tăng năng suất lao động lên 52%, giảm tỷ lệ hàng lỗi, và giảm chi phí sản xuất từ 5-10% mỗi năm. Công ty đã và đang từng bước thực hiện công tác số hóa và chuyển đổi số sao cho vừa đáp ứng thời gian báo cáo theo quy định, vừa nâng cao công tác quản trị. Công tác số hóa, chuyển đổi số tiếp tục được nghiên cứu cải tiến đối với từng loại hình kinh doanh, đơn vị hoạt động, quy trình nghiệp vụ.
Bên cạnh việc áp dụng các công cụ năng suất, các doanh nghiệp dệt may cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất. Việc đầu tư vào hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, phần mềm quản lý, và phần mềm thiết kế sản phẩm như Lectra, Gerber, và Optitex đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Xanh hóa để phát triển bền vững
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và các yêu cầu khắt khe từ các thị trường quốc tế, xu hướng phát triển bền vững đang trở thành một yếu tố quan trọng trong ngành dệt may. TS. Phạm Thu Hiền từ CSIRO, Úc, cho biết một số lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam bao gồm vị trí địa lý thuận lợi, khả năng sản xuất đa dạng, và tốc độ giao hàng nhanh. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và sự phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Xu hướng phát triển bền vững đang trở nên phổ biến trên toàn cầu, với các nhà nhập khẩu lớn tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG và tiêu chuẩn xanh hướng đến Net Zero. Điều này đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số, và áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất xanh để duy trì sự cạnh tranh.
Về phía ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho rằng xanh hóa là xu hướng bắt buộc và là con đường phải đi đối với ngành dệt may. Việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh và trách nhiệm xã hội không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp duy trì và phát triển bền vững trên thị trường quốc tế.
Để đối phó với những thách thức và nắm bắt cơ hội trong thời đại mới, ngành dệt may Việt Nam đã đề ra chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Theo ông Vũ Đức Giang, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, hướng đến kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn từ 2031-2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước, và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, kết hợp với đổi mới sáng tạo và áp dụng các tiêu chuẩn xanh, sẽ là chìa khóa giúp ngành dệt may Việt Nam duy trì sức cạnh tranh và đạt được sự phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, và Nhật Bản ngày càng đặt ra yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội, việc đáp ứng những tiêu chuẩn này sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nắm bắt được cơ hội và gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế.