Phân tích - Bình luận

Vì đâu công nghiệp ô tô Đức suy thoái?

Trương Khắc Trà 08/09/2024 04:02

Ngành công nghiệp ô tô Đức đang trên đà suy thoái, dần mất vị thế thống trị toàn cầu. Điều này khiến Volkswagen, Mercedes, BMW bị kẹt trong trạng thái chuyển đổi.

808x539_cmsv2_d457cf08-af82-5082-9a68-a0c21a59faf2-8702958.jpg
Công nhân phản ứng trước thông tin Volkswagen đóng cửa một nhà máy tại Đức (ảnh: euronews)

Công nghiệp ô tô là ngành kinh tế mũi nhọn của Đức, là biểu trưng cho tầm mức phát triển của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, với rất nhiều thương hiệu nổi tiếng được biết đến khắp thế giới.

Các thương hiệu Đức đã dẫn đầu thế giới gần 1,5 thế kỷ, hầu như không phải lo lắng về doanh số bán hàng hay sự cạnh tranh. Nhưng tất cả đang rơi vào khó khăn, y hệt như sự suy thoái đồng loạt của những gã khổng lồ điện tử Nhật Bản trước đây.

Theo dữ liệu lịch sử từ Viện nghiên cứu kinh tế IFO, tâm lý trong ngành ô tô đã không ổn định trong những năm gần đây. Vào tháng 8, chỉ số tâm lý đã một lần nữa giảm xuống mức âm 24,7 điểm, kỳ vọng kinh doanh trong sáu tháng tới là “cực kỳ bi quan”.

Ví dụ mới nhất là những diễn biến tại Volkswagen - nhà sản xuất ô tô có doanh thu lớn nhất thế giới, có nguy cơ phải đóng cửa nhà máy tại quê nhà Đức dẫn đến phải chấm dứt thỏa thuận bảo vệ việc làm đã có hiệu lực tại quốc gia này từ năm 1994.

Trong loạt báo cáo thu nhập mới nhất, gã khổng lồ Mercedes đã cắt giảm dự báo biên lợi nhuận hàng năm, trong khi cái tên trứ danh BMW cho biết biên lợi nhuận của phân khúc ô tô trong quý 2 thấp hơn dự kiến. Porsche đã cắt giảm triển vọng năm 2024, mặc dù cho rằng điều đó là do thiếu hợp kim nhôm đặc biệt.

Ngành công nghiệp ô tô không chỉ bao gồm những công ty lớn mà còn bao gồm hàng nghìn doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trên khắp nước Đức. Đây là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của đất nước.

Như vậy, ngành ô tô đã tác động lan tỏa đến nền kinh tế Đức nói chung, vốn suy thoái suốt từ năm ngoái đến nay. Trong quý 2 năm 2024, GDP của Đức đã giảm 0,1% so với quý trước, trong khi khu vực euro tăng trưởng 0,3%.

Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA) chỉ ra mấy nguyên nhân dẫn tới suy thoái ngành ô tô Đức, bao gồm hậu quả của đại dịch COVID-19, cũng như căng thẳng địa chính trị, nhu cầu trong nước suy giảm, thị trường Trung Quốc thay đổi; và các vấn đề quan liêu ở cấp quốc gia và Liên minh châu Âu.

Nhưng hai chủ đề liên tục xuất hiện trong cuộc tranh luận xung quanh ngành ô tô Đức là Trung Quốc và sự chuyển dịch sang xe điện. Nhu cầu thấp hơn dự kiến trong khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với đối thủ đến từ châu Á.

jvqy22jjxvk75crybt4cqqr2lu.jpg
Xe hơi Đức khó cạnh tranh về giá (Ảnh: Reuters)

Có thể thấy xe điện Đức quá đắt, trong khi sản phẩm Trung Quốc tốt hơn ở một số khía cạnh, cũng như giá cả phải chăng hơn. Căng thẳng xung quanh thuế quan thương mại và nhập khẩu giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc cũng đang đè nặng lên thị trường.

Thị trường Trung Quốc dần khép lại với ô tô Đức - nơi từng tạo ra 40 - 50% lợi nhuận. Đồng thời tỷ trọng xe điện do các công ty Đức sản xuất không đảm bảo lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

VDA cho rằng, chính phủ Đức và Liên minh châu Âu cần sự kết hợp hiện đại giữa chính sách kinh tế định hướng thị trường và tái định hình chính sách công nghiệp, cải cách chính trị thay vì quy định, thực dụng thay vì quản lý vi mô.

Trương Khắc Trà