Kinh tế thế giới

Doanh nghiệp Đông Nam Á "vật lộn" đối phó hàng giá rẻ Trung Quốc

Cẩm Anh 08/09/2024 03:00

Nhiều doanh nghiệp Đông Nam Á đang chịu tổn thương do hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào khu vực này.

untitleda.jpg
Quần áo và sản phẩm dệt may được trưng bày tại một cửa hàng ở Jakarta năm 2023. Ảnh: Bloomberg

Trên khắp Đông Nam Á, làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đang tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp địa phương.

Một nửa số nhà máy gốm sứ ở tỉnh Lampang, phía Bắc Thái Lan đã đóng cửa. Tại Indonesia, hàng nghìn công nhân dệt may đã mất việc làm. Trong khi đó, các nhà sản xuất của Malaysia cho biết nỗ lực ngăn chặn làn sóng hàng giá rẻ của chính phủ đã không giúp họ tránh khỏi tình trạng này.

“Khi các thị trường phương Tây ngày càng khó tiếp cận, Đông Nam Á ngày càng trở thành thị trường trọng điểm cho hàng giá rẻ Trung Quốc”, ông Muhammad Zulfikar Rakhmat, Giám đốc bộ phận Trung Quốc-Indonesia của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và luật có trụ sở tại Jakarta, cho biết.

Với sự hỗ trợ bởi thị trường thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, cũng như các tuyến đường sắt mới và các cảng được nâng cấp, hàng hóa Trung Quốc đã dễ dàng tiếp cận thị trường Đông Nam Á tiềm năng.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do góp phần "mở đường" cho hàng giá rẻ Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường ở Đông Nam Á.

Giáo sư kinh tế Yeah Kim Leng từ Đại học Sunway, Malaysia, nhận định: "Các nhà sản xuất Trung Quốc rất giỏi trong việc tối ưu hóa quy mô sản xuất và đáp ứng nhu cầu về hàng tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử. Nhưng điều này đang làm tổn hại đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa của khu vực."

“Bây giờ chính phủ phải bảo vệ chúng tôi và nghề thủ công của chúng tôi,” một thương nhân gốm sứ Thái Lan trao đổi với SCMP, phản ánh nỗi lo ngại của nhiều chủ doanh nghiệp tại Đông Nam Á.

untitled.jpg
Hệ thống logistics trong khu vực Đông Nam Á được cải thiện đã góp phần giúp hàng hóa Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào khu vực

Kể từ khi đại dịch xảy ra, các công ty Trung Quốc đã thổi luồng sinh khí vào một số bộ phận của nền kinh tế trì trệ của Thái Lan. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng các quốc gia tại Đông Nam Á cần phải đạt được sự cân bằng giữa việc bảo vệ doanh nghiệp của mình và tuân thủ các thỏa thuận thương mại mà họ đã tự nguyện ký kết.

Hiện nay, nhiều chính phủ trong khu vực đã có các hành động cứng rắn hơn để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Chính phủ mới của Thái Lan đang có lập trường cứng rắn hơn sau nhiều năm thúc đẩy quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của mình thông qua tiếp cận thị trường có đi có lại, đầu tư hậu cần và các thỏa thuận miễn thị thực.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan đã cam kết giải quyết tình trạng hàng hóa nhập khẩu bất hợp pháp tràn vào và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương chống lại sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa giá rẻ.

Các nền tảng thương mại điện tử như Temu đang bị giám sát chặt chẽ và có thể sớm bị yêu cầu phải đăng ký tại địa phương, cũng như phải đối mặt với mức thuế suất cao hơn.

Tương tự, trong nỗ lực hạn chế hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào, chính phủ Malaysia đã áp dụng mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 500 ringgit (khoảng 115 đô la Mỹ) trở xuống vào tháng 1/2024.

Nhưng các nhà bán lẻ cho rằng biện pháp này là không đủ, vì họ mất tới 30% doanh số vào tay các doanh nghiệp trực tuyến vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ Trung Quốc.

Giáo sư kinh tế người Malaysia Ameer Yeah nhận định: "Những ai tận dụng lợi thế về chi phí và khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Trung Quốc có thể tồn tại, nếu không muốn nói là phát triển, trước sự thay đổi động lực do thương mại và đầu tư xuyên biên giới gây ra."

Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cần áp dụng mức thuế cố định lên tới 20% đối với tất cả các giao dịch mua hàng trực tuyến ở nước ngoài để cân bằng sân chơi.

Đồng quan điểm, Danang Girindrawardana, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Dệt may Indonesia nhận định cần có mức thuế phù hợp với hàng giá rẻ Trung Quốc để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước và tạo việc làm.

Theo ông Nandi, trong ngắn hạn, nếu được thực thi tại biên giới, những mức thuế này có thể giúp giảm bớt khối lượng nhập khẩu và tạo ra một số không gian để các ngành công nghiệp địa phương phục hồi. Tuy nhiên, ông cho rằng, các quốc gia Đông Nam Á cần xây dựng tầm nhìn chung để tồn tại lâu dài. Điều này bao gồm thắt chặt giám sát hàng nhập khẩu bất hợp pháp, thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt và hỗ trợ đổi mới để thúc đẩy năng lực sản xuất của ngành công nghiệp địa phương.

Cẩm Anh