Giao thương

Doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh nguồn cung và dự trữ hàng hoá đối phó bão số 3

Thy Hằng 07/09/2024 17:20

Để đối phó với cơn bão số 3, các doanh nghiệp bán lẻ đã làm việc với các nhà cung cấp và có Kế hoạch đẩy mạnh dự trữ các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, đồng thời có phương án luân chuyển hàng hóa liên tục.

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, qua trao đổi với đại diện Sở Công Thương các địa phương về công tác tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa và công tác chỉ đạo trên địa bàn đến thời điểm 15h ngày 07/9/2024.

458581152_7987563307958205_2619176592386459140_n.jpg
Để đối phó với cơn bão số 3, các doanh nghiệp bán lẻ đã làm việc với các nhà cung cấp và có Kế hoạch đẩy mạnh dự trữ các mặt hàng.

Tại Hà Nội, sáng cùng ngày, các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn vẫn mở cửa phục vụ người dân. Lượng hàng hóa hàng thiết yếu (nhất là các mặt hàng tươi sống, rau củ quả…) tại các điểm bán đã được bổ sung đầy đủ, nguồn cung ứng dồi dào.

Để đối phó với cơn bão số 3, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn đã làm việc với các nhà cung cấp và có Kế hoạch đẩy mạnh dự trữ các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, trong đó các mặt hàng tươi sống, rau xanh, củ quả tăng gấp 2 so với ngày bình thường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có phương án luân chuyển hàng hóa liên tục đến tại các điểm bán, triển khai các kênh bán hàng trực tuyến để sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ đầy đủ nhu cầu của nhân dân.

Về lượng khách đến mua sắm, sáng ngày 7/9, lượng khách đến mua sắm tại các điểm bán hàng đã giảm mạnh so với ngày 6/9, các mặt hàng được ưu tiên mua sắm vẫn là các mặt hàng tươi sống và rau củ; giá bán hàng hóa tương đối ổn định.

Thông tin về việc dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, Phó Tổng Giám đốc Chuỗi WinMart Nguyễn Tiến Dũng cho biết, WinMart đã lên kế hoạch đảm bảo đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu.

"Riêng đối với mặt hàng rau xanh ngoài 2 nguồn hàng chính là nông trường WinEco Hải Phòng và Quảng Ninh nhưng đây là địa phương chịu ảnh hưởng của bão nên WinMart đã nhanh chóng huy động thêm nguồn hàng từ WinEco và các nhà cung cấp khác tại Lâm Đồng", ông Dũng nêu ví dụ.

458924971_7987563511291518_8014443775196665463_n.jpg
Doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh dự trữ các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, trong đó các mặt hàng tươi sống, rau xanh, củ quả tăng gấp 2 so với ngày bình thường.

Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, tại Quảng Ninh, tình hình nhu cầu mua sắm dự trữ hàng hóa thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng so với ngày trước đó, tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm (mì tôm; rau, củ, quả; thịt lợn, bò; thủy sản tôm, cá; dầu ăn, bột canh...). Lượng hàng rau, củ, quả, thịt lợn cung ứng tại các chợ, cửa hàng nhỏ có xu hướng giảm do người dân tập trung mua nhiều hơn so với ngày thường.

Tuy nhiên, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi do có sự chuẩn bị trước dẫn đến lượng hàng tại các cơ sở này luôn ổn định và có xu hướng tăng so với ngày thường nhằm sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết đã chủ động tăng cường thêm 2 chuyến hàng về rau, củ, quả; thực phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân.

Giá cả một số mặt hàng rau, củ, quả có xu hướng tăng từ 5%-10% so với ngày trước đó, tập trung tại các chợ, cửa hàng nhỏ. Giá cả tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định chưa có xu hướng tăng hay giảm so với ngày trước đó.

Để đảm bảo hàng hóa, Sở Công thương Quảng Ninh đã khuyến khích các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đăng tải thông tin hàng hóa của đơn vị lên zalo, facbook cá nhân/đơn vị để người tiêu dùng biết, lựa chọn mua sắm hàng hóa; Kích hoạt nhóm zalo liên hệ với phòng kinh tế/kinh tế hạ tầng/kế hoạch tài chính của 13 địa phương trong tỉnh để thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình cung cầu, giá cả thị trường và diễn biến bão trên địa bàn tỉnh.

Tại Lai Châu, hoạt động thương mại trên địa bàn Lai Châu vẫn diễn ra bình thường (thời tiết chưa có diễn biến xấu), số lượng hàng lương thực, thực phẩm có nhiều, không có tình trạng hết hạn.

Tại Hải phòng, theo báo cáo nhanh từ hệ thống các siêu thị kinh doanh tổng hợp trên địa bàn, lượng người vào siêu thị mua sắm tăng mạnh vào chiều ngày 6/9, tăng khoảng 50-60% so với ngày thường để dự trữ lương thực, thực phẩm, do tâm lý lo ngại ảnh hưởng của cơn bão số 3, người dân tập trung chủ yếu mua các mặt hàng thiết yếu như: gạo, mỳ, rau, củ, thức ăn chế biến sẵn và thực phẩm tươi sống.

Theo báo cáo và qua ghi nhận thực tế tại một số chợ trên địa bàn vào sáng ngày 07/9/2024, một số cửa hàng bách hóa trên địa bàn quận Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng, Hải An, nhiều hộ tiểu thương tại các chợ đã đóng các quầy hàng, các quầy hàng mở cửa chủ yếu bán các mặt hàng rau củ quả, thịt, gạo, mỳ, lượng người dân mua sắm tại các chợ rất ít, đối với các cửa hàng bách hóa kinh doanh tại nhà vẫn mở cửa phục vụ khách hàng, tuy nhiên nhu cầu mua sắm không lớn.

Sáng ngày 07/9, mặc dù hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố vẫn mở cửa hoạt động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, nhưng lượng khách hàng đến mua sắm không đông, thậm chí còn giảm so với ngày thường dù vào ngày cuối tuần do thời tiết Hải Phòng đã bắt đầu có mưa to, gió lớn. Người dân chủ yếu tập trung vào mua sắm các mặt hàng thiết yếu để phòng chống bão.

458382617_7987563534624849_5588665082720034519_n.jpg
Siêu thị MM Mega Market cho biết đã chủ động tăng cường thêm 2 chuyến hàng về rau, củ, quả; thực phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân.

Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa được vận chuyển từ các kho trong và ngoài thành phố của các doanh nghiệp từ 04h-06h sáng ngày 07/9/2024, theo báo cáo từ hệ thống các siêu thị, lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp đối với các mặt hàng thiết yếu cung ứng ra thị trường tăng 60-80% so với ngày thường. Đối với các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, hàng thủy hải sản, trứng gia cầm số lượng còn khá nhiều, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ ít.

Đối với 07 doanh nghiệp cam kết dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024, tính đến ngày 07/9/2024 vẫn duy trì số lượng hàng dự trữ theo phụ lục gửi kèm.

Vị thị trường trong nước nhận định, trong ngày 08/9/2024, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa tiếp tục mở hàng. Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ giảm do mưa, bão và hàng hóa thiết yếu đã được mua từ ngày 06/9/2024; các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm và mặt hàng thiết yếu. Tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu lương thực, thực phẩm, xăng dầu cơ bản đảm bảo.

Thy Hằng