Tài chính doanh nghiệp

Vì sao TTF “bốc hơi” toàn bộ lợi nhuận sau soát xét?

Đình Đại 08/09/2024 04:00

Sau soát xét kiểm toán báo cáo tài chính, kết quả lợi nhuận bán niên năm 2024 của TTF gần như “bốc hơi” toàn bộ.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2024 mới công bố, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) ghi nhận doanh thu đạt hơn 669 tỷ đồng, không biến động so với báo cáo tài chính tự lập trước đó. Giá vốn giảm nhẹ 1% so với trước soát xét, nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành gỗ này tăng 10% so với trước soát xét, lên hơn 106 tỷ đồng.

gotruongthanh.jpg
Lợi nhuận bán niên năm 2024 của TTF "bốc hơi" gần hết sau soát xét - Ảnh: TTF.

Doanh thu tài chính bán niên sau soát xét của TTF cũng tăng 17%, lên gần 16 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm 50% sau soát xét và giảm 90% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 3,3 tỷ đồng; chi phí lãi vay cũng giảm 85% so với trước soát xét, xuống còn hơn 4,5 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm nhẹ 1%; trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 31% so với trước soát xét, lên hơn 58,6 tỷ đồng.

Mặc dù phần lớn chi phí của doanh nghiệp này giảm đáng kể so với báo cáo tài chính tự lập trước đó, nhưng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của TTF lại giảm mạnh 98% so với trước soát xét, xuống chỉ còn 0,12 tỷ đồng; Lãi ròng chuyển từ lãi hơn 4,4 tỷ đồng, thành lỗ ròng hơn 5,4 tỷ đồng sau soát xét.

TTF cho biết, nguyên nhân là do bổ sung trích lập dự phòng phải thu từ khách hàng. Cụ thể, tại ngày 30/06/2024, khoản dự phòng phải thu khó đòi của TTF được điều chỉnh từ mức hơn 33 tỷ đồng trong báo cáo tự lập lên gần 48 tỷ đồng sau soát xét. So với cùng kỳ, khoản này tăng hơn 7 tỷ đồng.

Tổng kết, khoản phải thu khách hàng của TTF tại cuối quý II/2024 ghi nhận giá trị thuần gần 514 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu từ Công ty CP Vinhomes (HoSE: VHM) chiếm gần 172 tỷ đồng.

Được biết, đây cũng không phải lần đầu tiên, doanh nghiệp ngành gỗ này bị xóa gần như toàn bộ lợi nhuận sau soát xét. Theo đó, gần đây nhất là tại Báo cáo kiểm toán năm 2023, TTF từ lãi 11 tỷ đồng, chuyển thành lỗ ròng 134 tỷ đồng sau soát xét. Nguyên nhân là do doanh nghiệp gánh thêm chi phí phạt thuế cộng với lỗ từ xóa sổ và thanh lý tài khoản.

cpttf.jpg
Cổ phiếu TTF bị giữ nguyên diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2024 âm hơn 3.241 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh có phần ảm đạm của TTF diễn ra trong bối cảnh ngành gỗ đang có những tín hiệu phục hồi tích cực. Theo ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang tăng trưởng nhờ những tín hiệu tích cực từ các thị trường như Hoa Kỳ, EU. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 52% - 55% giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Chủ tịch HAWA cũng dự báo, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, khi thế giới bước vào mùa mua sắm cao điểm cuối năm, có thể chứng kiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam mỗi tháng đạt 1,6 - 1,8 tỷ USD. Qua đó, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 17,5 tỷ USD.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm Vifa Asean 2024 mới đây, ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP HCM (VCCI HCM) cũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và đồ nội thất của Việt Nam đạt 10,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm, trong 45 thị trường chính xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và đồ nội thất của Việt Nam, các thị trường xuất khẩu lớn hầu hết có trị giá xuất khẩu tăng trưởng rất cao. Cụ thể, thị trường Mỹ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 26%; Thị trường Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD, tăng 38,6%; Thị trường Nhật Bản đạt 961 triệu USD, tăng 1,5%, Thị trường Hàn Quốc đạt 452 triệu USD, giảm 2,1%; Thị trường châu Âuđạt 439 triệu USD, tăng 25,8%, Thị trường ASEAN đạt 206 triệu USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ông Liêm đánh giá, mặc dù phục hồi mạnh và tăng trưởng trở lại, nhưng trị giá xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và đồ nội thất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 vẫn chưa đạt mức cùng kỳ năm trước.

Theo Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gỗ, sản phẩm gỗ và đồ nội thất vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức như: ảnh hưởng của xung đột ở Trung Đông, Biển Đỏ, Nga- Ucraina, giá cước tàu biển neo cao kéo dài khiến giá nguyên liệu nhập về tăng mạnh.

“Chi phí nguyên liệu, thời gian và chi phí vận chuyển tăng khiến giá thành sản phẩm tăng theo gây khó khăn khi cạnh tranh về giá cả. Cùng với đó là yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, tính an toàn, thân thiện cùng nguồn gốc rõ ràng của các sản phẩm cũng như chính sách bảo hộ từ các quốc gia nhập khẩu,...”, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm đánh giá.

Đình Đại