Bạn đọc

Sắp xét xử phúc thẩm vụ "thẩm phán bị tố thụ lý vụ án thiếu minh bạch"

Khôi Nguyên 09/09/2024 03:30

Vụ việc Văn phòng công chứng Hạ Long tố một thẩm phán thụ lý vụ án thiếu minh bạch sẽ được TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử cấp phúc thẩm vào ngày 10/9 tới đây…

Như đã thông tin, trong lá đơn Đề nghị giúp đỡ gửi Diễn đàn Doanh nghiệp, Văn phòng công chứng Hạ Long (gọi tắt là VPCC Hạ Long, hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, địa chỉ tại số nhà 494 Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: VPCC Hạ Long là bị đơn trong vụ án dân sự theo Thụ lý vụ án số 125/2023/TLST-DS ngày 28/06/2023 về “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” giữa nguyên đơn bà Đào Thị Lãm (Sinh năm 1929) và bị đơn VPCC Hạ Long. Vụ án do Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thụ lý giải quyết.

Tuy nhiên, trong quá trình thụ lý vụ án, VPCC Hạ Long nhận thấy việc giải quyết vụ việc của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa không công tâm khách quan, có những biểu hiện bất thường, gây bất lợi, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Điển hình như việc, Thẩm phán không thụ lý giải quyết đơn phản tố của bị đơn là VPCC Hạ Long; Không giải quyết đơn yêu cầu độc lập của Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; Khi có tình tiết phát sinh của vụ án, không thông báo cho các đượng sự biết…

Đáng chú ý, theo nội dung đơn thư, VPCC Hạ Long còn phản ánh, trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán Đặng Mai Lan đã thu thập tài liệu, chứng cứ không vô tư, không tôn trong sự thật khách quan của vụ án. Thậm chí, Thẩm phán này còn can thiệp gây khó khăn, cản trở nguyên đơn tự nguyện rút đơn khởi kiện, vi phạm nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự.

Ngày 13/6/2024, phiên toà sơ thẩm đã được TAND thành phố Hạ Long đã đưa ra xét xử. Sau một tuần nghị án kéo dài, ngày 20/6/2024, Hội đồng xét xử đã chấp nhận nội dung khởi kiện từ phía nguyên đơn, và tuyên văn bản công chứng tại VPCC Hạ Long vô hiệu.

Ngày 13/6/2024, phiên toà sơ thẩm
Phiên toà sơ thẩm ngày 13/6/2024. Ảnh: N.G

Nội dung vụ án thể hiện, năm 2011, bà Đào Thị Lãm tặng cho con trai út là Trịnh Minh Hùng một thửa đất tại tổ 33, khu 4a, phường Hà Phong, TP Hạ Long. Hợp đồng cho tặng được thực hiện tại VPCC Hạ Long. Ngày 20/3/2023, bà Đào Thị Lãm làm đơn khởi kiện ra Toà án nhân dân thành phố Hạ Long yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu, đòi lại thửa đất đã cho con trai út từ hơn 12 năm trước.

Đáng chú ý, một căn cứ chính trong lá đơn khởi kiện được nguyên đơn đưa ra là chưa từng bàn bạc cho ai đất, cũng chưa từng đến VPCC Hạ Long để làm thủ tục, nên việc sang tên sổ đỏ mang tên anh Trịnh Minh Hùng (con trai bà Lãm) là gian dối, không thể hiện ý chí của bà. Nguyên đơn tự nhận là “người không được đi học nên là người không biết chữ, không biết đọc, chỉ biết viết mỗi họ tên mình”.

Cũng căn cứ vào tình tiết này, phía nguyên đơn đề nghị toà tuyên văn bản công chứng vô hiệu vì cho rằng, VPCC Hạ Long đã vi phạm điều cấm của Luật bởi đối với trường hợp khách hàng nêu trên khi tiến hành công chứng buộc phải có người làm chứng. Do căn cứ vào khoản 1 Điều 9 Luật Công chứng năm 2006 quy định về người làm chứng có nêu: “Trong trường hợp pháp luật quy định việc công chứng phải có người làm chứng hoặc trong trường hợp pháp luật không quy định việc công chứng phải có người làm chứng nhưng người yêu cầu công chứng không đọc được, hoặc không nghe được hoặc không ký và điểm chỉ được thì phải có người làm chứng”.

Phản bác nội dung này tại phiên toà, luật sư và người đại diện uỷ quyền của VPCC Hạ Long và phía người có quyền lợi liên quan đã cung cấp thêm nhiều chứng cứ thể hiện việc phía nguyên đơn có “Nghe được, biết viết, biết ký tên mình và điểm chỉ được”.

Do đó, phía bị đơn là VPCC Hạ Long cho rằng, theo điều luật viện dẫn ở trên, trường hợp nguyên đơn là người không biết chữ, không biết đọc nhưng nghe được, viết được, ký được và điểm chỉ được không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Công chứng 2006 nên giao dịch hợp đồng tặng cho này không cần phải có người làm chứng.

Bên cạnh đó, đại diện uỷ quyền của VPCC Hạ Long và phía người có quyền lợi liên quan cũng cung cấp thêm nhiều chứng cứ, hồ sơ, tài liệu mới thể hiện việc việc trước khi thực hiện thủ tục công chứng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất sang tên cho con trai, nguyên đơn đã có đơn xin xác nhận tình trạng hôn nhân và được UBND Phường Hà Phong (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cấp giấy xác nhận độc thân để làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất và sự thật nguyên đơn đã cùng con trai út (ông Trịnh Minh Hùng) đến trụ sở VPCC Hạ Long để làm thủ tục công chứng Hợp đồng tặng cho.

VPCC Hạ Long cho rằng, điều này đã thể hiện rất rõ ý chí, tự nguyện của nguyên đơn tặng cho quyền sử dụng đất cho con trai (anh Trịnh Minh Hùng) không bi lừa dối, ép buộc. Tình tiết đáng lưu ý tại phiên toà này chính nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Đào Thị Lãm đã thừa nhận chữ viết, chữ ký và điểm chỉ vào từng trang của văn bản công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là chữ viết, chữ ký của bà Lãm. Ngoài ra, cũng ngay tại phiên tòa phía bị đơn và người có liên quan còn có nhiều chứng cứ, tài liệu thể hiện việc phía nguyên đơn đã bàn bạc việc tặng đất cho con trai út trước sự chứng kiến của nhiều thành viên trong gia đình trước khi tiến hành thực hiện các thủ tục.

Tuy nhiên, tại phiên toà, nêu quan điểm về vụ án, đại diện Viện kiểm sát thành phố Hạ Long cho rằng, việc VPCC Hạ Long tiến hành công chứng hợp đồng tặng cho đối với người yêu cầu công chứng “Không biết đọc, không biết viết” là vi phạm vào điều cấm của Luật nên đề nghị tuyên hợp đồng công chứng vô hiệu.

Về thời hiệu khởi kiện Hợp đồng tặng cho đại diện Viện kiểm sát rằng, Hợp đồng tặng cho vô hiệu do vi phạm điều cấm của Luật nên thời hiệu khởi kiện không bị hạn chế, do vậy không chấp nhận yêu cầu đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với Hợp đồng tặng cho.

Phản bác nội dung này tại phiên tòa Luật sư của bị đơn đưa ra lập luận chứng minh thời hiệu khởi kiện Hợp đồng tặng cho đã hết thời hiệu khởi kiện 02 năm, kể từ thời điểm xác lập hợp đồng, Luật sư của bị đơn viện dẫn điểm 2.2.6 mục 2.2 của Hướng dẫn số 13/HD-VKSTC ngày 30/05/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định: “Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội: Tặng cho quyền sử dụng đất khi đất đang là đối tượng tranh chấp, đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án, đang bị áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch, tặng cho trong trường hợp pháp luật quy định không được tặng cho” dẫn chiếu quy định này Luật sư cho rằng việc bà Lãm không biết đọc, biết viết, không biết chữ không thuộc trường hợp vi phạm điều cấm của luật như nhận định của Viện kiểm sát tại phiên tòa.

Mặt khác, nếu có vi phạm thì cũng chỉ vi phạm về mặt hình thức, không làm thay đổi bản chất của giao dịch tặng cho, đồng thời theo quy định giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức thì thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu là 02 năm kể từ ngày giao dịch được xác lập, theo quy định này thời hiệu tuyên bố hợp đồng tặng cho đã hết. Từ các căn cứ này bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn và đình chỉ giải quyết vụ án.

vu-tham-phan-bi-to-thu-ly-vu-an-thieu-minh-bach-chuan-bi-xet-xu-phuc-tham-1.jpg
Trụ sở TAND thành phố Hạ Long. Ảnh: N.G

Trao đổi với phóng viên, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW cho biết, VPCC Hạ Long đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục công chứng theo quy định tại các Điều 35, 36 Luật công chứng năm 2006 đối với trường hợp công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo yêu cầu của người đề nghị công chứng.

Văn bản công chứng hợp đồng tặng cho được thực hiện theo thể thức đúng quy định, được đánh số trang đầy đủ, vào sổ theo dõi, các trang của văn bản có chữ ký nháy của công chứng viên và các bên ký kết hợp đồng, cuối văn bản có chữ ký và điểm chỉ xác nhận của nguyên đơn (bà Đào Thị Lãm), anh Trịnh Minh Hùng (con trai bà Lãm - người có quyền lợi liên quan).

Bên cạnh đó, luật sư Tuấn cũng cho biết, trong hồ sơ đều thể hiện việc các bên xác nhận về việc từng người một đã đọc lại, nghe công chứng viên đọc lại nguyên văn bản hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất hiểu rõ nội dung và hậu quả pháp lý của việc giao kết hợp đồng.

Lời chứng của công chứng viên đảm bảo đầy đủ nội dung công chứng theo quy định của Luật công chứng 2006. Về chủ thể khi tham gia ký kết vào hợp đồng tặng cho, các bên tham gia ký hợp đồng tặng cho xác nhận trong tình trạng minh mẫn, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không bị ai ép buộc, lừa dối, đe dọa. Việc ký kết hoàn toàn tự nguyện.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND TP Hạ Long lại cho rằng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng bị vô hiệu do nguyên đơn không biết đọc, biết viết, việc công chứng hợp đồng này không có người làm chứng là vi phạm điều cấm của luật.

Trao đổi về nội dung này, luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng: Bản án sơ thẩm có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, do đó theo luật sư, cần thiết phải hủy bản án này để xét xử lại theo thủ tục chung.

“Bởi lẽ, Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được xác lập vào năm 2011 nên việc áp dụng quan hệ pháp luật điều chỉnh là Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật Công chứng năm 2006, trong đó có quy định giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, thế nhưng bản án sơ thẩm lại xác định hợp đồng tặng cho vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự năm 2015”, Luật sư Tuấn phân tích.

Khôi Nguyên