Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt đầu tư tại Lào
Việt Nam tiếp tục là một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại lớn nhất của Lào; trong đó có một số dự án lớn tại tỉnh Xê Công.
Tính đến nay, Việt Nam đang có 255 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động mà còn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội với cộng đồng và địa phương tại Lào.
Tỉnh Xê Công nằm ở phía Nam của Lào, có đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh của Việt Nam là Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum. Tại địa phương, một số dự án lớn với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam đang được triển khai.
Cụ thể, mỏ than Ka-lừm của tập đoàn Phon-sắc là nơi dự kiến đặt dự án Nhà máy nhiệt điện Xê Công. Dự án có sự tham gia của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam. Mỏ than Ka-lừm hoạt động từ năm 2012, có diện tích khoảng 770 km2, trữ lượng khoảng 800 triệu tấn với thời gian hoạt động trong 30 năm. Năng lực khai thác tối đa của mỏ khoảng 20 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng bán than cho Việt Nam hiện khoảng 3 triệu tấn/năm.
Tập đoàn Phon-sắc cũng là chủ đầu tư của dự án Nhà máy nhiệt điện Xê Công. Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam đang tìm kiếm đối tác cho vay để góp vốn đầu tư vào dự án và tham gia quản lý, vận hành, bảo trì bảo dưỡng. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 4,06 tỷ USD (bao gồm 253 km đường dây truyền tải điện đến biên giới Campuchia). Công suất thiết kế khoảng 1.800 MW và dự kiến khởi công vào tháng 4/2025. Dự án có thể vận hành thương mại Tổ máy 1 vào tháng 1/2028; Tổ máy 6 vào tháng 1/2030.
Tại tỉnh Xê Công, tập đoàn Việt Phương đang đầu tư dự án Tổ hợp khai thác mỏ bauxit và chế biến Alumin với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD; dự kiến xuất khẩu từ quý II/2026. Đại diện tập đoàn Việt Phương cho biết: các sản phẩm chính của dự án là quặng khai nguyên và quặng tinh; sản phẩm cuối cùng là Alumin đã trải qua chế biến. Dự án sử dụng công nghệ hàng đầu hiện nay là bay hơi ở nhiệt độ thấp, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, tiêu hao ít năng lượng, thải ra môi trường bùn đỏ khô đến 70%.
Mới đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước Việt Nam - Lào đã có các cuộc làm việc với những doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư dự án tại tỉnh Xê Công. Tại buổi làm việc, lãnh đạo tập đoàn Việt Nam đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tạo điều kiện cho tập đoàn triển khai dự án nhiệt điện Lakmang công suất khoảng 600 MW để có nguồn điện cho chế biến Alumin. Đây cũng là tiền đề tạo ra một chuỗi giá trị từ than, quặng bauxit tới Alumin và nhôm; sản xuất hơi công nghiệp phục vụ cho tổ hợp.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng đánh giá dự án Tổ hợp bauxit và chế biến Alumin của tập đoàn Việt Phương không chỉ quan trọng với nền công nghiệp của Lào mà còn có ý nghĩa với quan hệ kinh tế giữa 2 nước. Tập đoàn đã lựa chọn công nghệ cao cho dự án, giúp tối đa hoá tài nguyên thiên nhiên, không xuất quặng thô, nguyên liệu thô mà đã chế biến Alumin, tiến tới sản xuất nhôm để xuất khẩu, tạo ra giá trị tốt hơn cho kinh tế Lào.
Ông Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị tập đoàn Việt Phương tuân thủ pháp luật địa phương, khai thác đến đâu hoàn thổ đến đó, trồng rừng lại cho địa phương để bảo vệ môi trường. Đồng thời, quan tâm đến công tác an sinh xã hội, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ cho ngân sách Lào; chăm sóc đời sống người lao động, đặc biệt là công nhân Việt Nam sang Lào làm việc.
Với những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải trong quá trình triển khai dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: sẽ cùng với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp thực hiện dự án. Bộ trưởng cũng đề nghị phía Lào cùng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các dự án; chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn phát triển. Hy vọng dự án này sẽ là hình mẫu cho quan hệ hợp tác giữa 2 nước trên tất cả các lĩnh vực.