Tiêu dùng và bầu cử Mỹ tác động ra sao tới giá trị đồng USD và kinh tế Việt Nam?
Nền kinh tế Việt Nam đang được hỗ trợ bởi động lực kinh tế tại Mỹ, nhờ chi tiêu cao với chính sách lãi suất cao. Giá trị đồng USD sẽ yếu đi hay mạnh lên, thay đổi các tác động tới đây?
Kinh tế Mỹ là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến GDP của Việt Nam trong năm nay. Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có mối liên kết chặt với Mỹ về mặt kinh tế, và mức tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy sự phục hồi của xuất khẩu, sản xuất và tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Kinh tế Mỹ “hình chữ K” và dự báo cho năm 2025
Cụ thể, nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” từ người tiêu dùng Mỹ đã thúc đẩy sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ mức giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái trong 7 tháng đầu năm 2023 (7T23) lên mức tăng 24% trong 7 tháng đầu năm 2024 (7T24), thúc đẩy hoạt động sản xuất tăng từ mức tăng trưởng 3,6% trong năm 2023 lên mức dự kiến 10% trong năm 2024 (sản xuất tăng 9,5% trong 7T24). Sản xuất chiếm 1/4 nền kinh tế của Việt Nam, vì vậy sự phục hồi trong sản xuất – hoàn toàn nhờ xuất khẩu sang Mỹ – có khả năng nâng tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 5,1% trong năm 2023 lên 6,5% trong năm 2024 (GDP tăng 6,4% trong 6 tháng đầu năm 2024). Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ thực (tức là loại trừ tác động của lạm phát), được coi là chỉ báo cho tiêu dùng trong nước, đã giảm một nửa từ 10% trong 7T23 xuống còn 5% trong 7T24.
Nền kinh tế Việt Nam đang được hỗ trợ bởi động lực kinh tế “hình chữ K” tại Mỹ trong năm nay. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất tại Mỹ để hạ nhiệt lạm phát, nhưng thay vì hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ, lãi suất cao hơn đã thúc đẩy chi tiêu gia tăng từ những người tiêu dùng giàu có tại Mỹ, được đại diện bởi phần trên của “chữ K” trong nền kinh tế “hình chữ K”. Những người tiêu dùng này hiện đang nhận được thu nhập đầu tư cao hơn từ khoản tiết kiệm của họ và đang chi tiêu số “thu nhập bất ngờ” này, bao gồm cả các sản phẩm “Made in Vietnam”.
Tuy nhiên, tiêu dùng của những người có thu nhập trung bình thấp, đại diện cho phần dưới của “chữ K”, gần đây đã bắt đầu sụt giảm do lương của những người lao động này, sống theo kiểu phụ thuộc vào “tiền lương theo tháng”, không theo kịp lạm phát, và do “người tiêu dùng Mỹ nghèo hơn đang cạn kiệt tiền”, theo báo cáo từ Dollar General, một nhà bán lẻ hàng đầu nhắm vào đối tượng người tiêu dùng thu nhập thấp tại Mỹ (cổ phiếu của công ty này giảm 30% sau khi công ty đưa ra cảnh báo đó).
Do đó, chúng tôi cho rằng nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” sẽ chững lại (nhưng không giảm mạnh) vào đầu năm 2025, chúng tôi lạc quan rằng sự phục hồi trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam và đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam gần đây đã nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6,5% lên 7%, cho thấy quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam. Hai đòn bẩy chính mà Chính phủ có thể sử dụng để đẩy nhanh tăng trưởng GDP trong ngắn hạn là: 1) tăng số lượng phê duyệt các dự án bất động sản mới tại Việt Nam, và 2) tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.
Bầu cử, giá trị đồng USD và tác động kinh tế
Các nhà chính trị gia của 2 phía chính trường Mỹ đều muốn đưa các công đoạn sản xuất trở lại Mỹ. Trong đó, việc ủng hộ áp đặt thuế quan để giảm tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu hay xu hướng ủng hộ cách tiếp cận “chính sách công nghiệp”, bao gồm trợ cấp phát triển các ngành công nghiệp trong nước, đều hướng đến mục tiêu này.
Dù là cách tiếp cận nào cũng sẽ có tác động nhất định. Ví dụ, đạo luật “CHIPS” của Tổng thống Biden năm 2022 là một sáng kiến chính sách công nghiệp lớn nhằm thúc đẩy sản xuất công nghệ tại Mỹ; và đã khiến số tiền đầu tư vào xây dựng nhà máy mới tại Mỹ tăng gấp 4 lần. Tuy nhiên, chi phí sản xuất sản phẩm tại Mỹ rất cao và số lượng công nhân sản xuất có tay nghề cao tại Mỹ rất thấp, vì vậy việc đưa sản xuất trở lại Mỹ khó có thể là mối đe dọa với các loại sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Hay với chủ trương áp đặt thuế quan sẽ làm tăng giá trị đồng USD có thể cản trở mục tiêu đưa công nghiệp sản xuất trở lại, thì các chính trị gia cũng sẽ phải lựa chọn giữa việc áp đặt thuế và thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm giá trị đồng USD.
Chúng tôi kỳ vọng nếu phía lập trường áp đặt thuế đắc cử, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào việc làm giảm giá trị đồng USD thay vì tăng thuế quan đáng kể. Việc tăng thuế sẽ làm tăng lạm phát tại Mỹ, và đồng USD yếu hơn cũng sẽ giúp chính phủ Mỹ giải quyết nhiều vấn đề khác, bao gồm khoản nợ khổng lồ của nước này.
Về tác động của tất cả điều này đối với Việt Nam: 1) đồng USD yếu hơn sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia ngoài Mỹ, 2) việc áp đặt thuế 10-20% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc sẽ không làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh, và 3) nếu Mỹ áp đặt thuế 60% đối với Trung Quốc, thì Việt Nam và Mexico sẽ một lần nữa hưởng lợi lớn nhất về xuất khẩu, theo báo cáo của Standard Chartered và các tổ chức khác.
Cuối cùng, chúng tôi không tin rằng kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Thực tế địa chính trị khiến Mỹ cần phải tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam, và quan điểm của lưỡng Đảng đối với thương mại với Trung Quốc đã trở nên rất giống nhau. Vì vậy chúng tôi kỳ vọng các chính sách này sẽ không thay đổi bất kể kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
*Tác giả: Ông Michael Kokalari, CFA - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường