Fed họp chính sách có thể tác động tích cực lên thị trường chứng khoán
Dù Fed có khả năng cắt giảm lãi suất mức nào, SSI Research vẫn cho rằng cuộc họp chính sách tháng 9 này sẽ có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán.
Báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ hôm 6/9 đã được Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ (BLS) công bố với số việc làm phi nông nghiệp tăng 142.000 trong tháng 8, thấp hơn mức dự báo của Dow Jones là 161.000 việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1% xuống còn 4,2% trong dự báo, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động đang làm việc hoặc đang tìm kiếm việc làm vẫn giữ nguyên ở mức 62,7% như tháng trước. Với báo cáo này, các chỉ số chứng khoán và giá dầu đổ đèo trong trạng thái tâm lý bi quan của nhà đầu tư (NĐT) về tăng trưởng kinh tế và mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Tuy nhiên, trong dự báo chung, chỉ số CPI của Mỹ theo SSI Research, có thể tăng 0,2% so với tháng 7 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023 - dữ liệu có thể củng cố cho xu hướng giảm tốc của lạm phát và chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed có thể bắt đầu từ tháng 9/2024. Công bố CPI sẽ được đưa ra vào 11/9 và sau đó, cuộc họp chính sách của Fed với khả năng đưa ra quyết định cân não mức giảm lãi suất 0,25% hay 0,50% sẽ diễn ra từ 17-18/9.
"Cuộc họp bản lề đánh dấu điểm đảo chiều chính sách của Fed sau chu kỳ thắt chặt kéo dài từ đầu năm 2022 có thể ảnh hưởng đến xu hướng phân bổ lại dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu. Hạ lãi suất không đi kèm suy thoái kinh tế Mỹ sẽ tác động tích cực lên các TTCK", báo cáo của SSI Research nhận định.
Bên cạnh đó, phải nói thêm rằng việc giảm lãi suất đồng bạc xanh cũng được kỳ vọng có ý nghĩa cải thiện trạng thái thận trọng tâm lý của các nhà quản lỹ quỹ, khi sự lạc quan của họ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua và tỷ trọng tiền mặt đã tăng nhẹ lên 4,3% - từ mức 4% của tháng 6, do chuẩn bị cho cả hai kịch bản
suy thoái hay kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm" xảy ra.
Dòng tiền đầu tư của quỹ chủ động đã giảm bán ròng chậm lại trên TTCK Việt Nam. Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích FiinGroup cho rằng, quy mô bán ròng của khối ngoại giảm mạnh và chỉ tương đương khoảng 20% giá trị bán ròng của tháng 5-tháng 6 (cao điểm bán ròng của khối ngoại), bao gồm cả quỹ chủ động và quỹ ETF ngoại cùng giảm bán ròng, là điểm khá tích cực cho thị trường chứng khoán hiện tại khi áp lực bán không quá lớn. "Vol bán chủ động lớn như trước không còn phổ biến nữa. Điều này giúp giảm áp lực lên thị trường chung khi phía cầu cân đối kịp thời hơn", bà Vân cho biết.
Ngoài ra, một tin tích cực khác đang rất được NĐT chờ đợi là kỳ xét đánh giá về nâng hạng thị trường chứng khoán từ FTSE Russell, có thể được công bố trong tháng 9 hoặc 10. Để chuẩn bị cho kỳ này, Thông tư liên quan đến NĐT tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền sẽ được ban hành (Thông tư Non Pre-funding) kỳ vọng sẽ sớm được ban hành được triển khai trong Quý 4.
"Đánh giá tích cực của FTSE Russell trong kỳ tháng 9/2024 làm tăng triển vọng cho quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025", SSI Research kỳ vọng.
Các chuyên gia phân tích của SSI cũng đưa ra các yếu tố có thể tác động tới TTCK tháng 9, ngoài các dự báo về sự kiện, chính sách.
Thứ nhất, yếu tố lịch sử: Với tăng trưởng bình quân -0,6% trong 14 năm gần nhất, tháng 9 thông thường là tháng không nhiều biến động trên TTCK Việt Nam, trừ các năm bị tác động mạnh bởi tỷ giá như năm 2022 và năm 2023. Tuy nhiên, tăng trưởng VN-Index trong quý 4 hàng năm, bình quân đạt mức tích cực +3,3%.
Lưu ý thêm là tỷ giá hiện tại đang trở thành một "lợi thế" lớn với mức biến động tính đến cuối tháng 8/2024, theo NHNN công bố, chỉ khoảng 1,5%. Xuất khẩu phục hồi và giải ngân FDI tích cực, kiều hối tích cực... cùng nhịp tỷ giá hạ nhiệt là cơ sở để NHNN có thể chọn thời điểm mua vào ngoại tệ bổ sung cho dự trữ ngoại hối. Theo đó, khả năng một "nhịp ghềnh" tỷ giá tác động bất lợi cho TTCK như 2 năm trước, nếu không có biến động nào ngoài dự đoán ập tới, sẽ khó xảy ra.
Thứ hai, định giá hấp dẫn là lợi thế: P/E Forward của VN-Index tăng nhẹ lên 11,6 lần vào ngày 06/9/2024, mức hấp dẫn hơn so với một số TTCK khu vực Đông Nam Á.
Các TTCK Đông Nam Á tạo điểm sáng trong nhịp hồi phục trong tháng 8 vừa qua. Trong bối cảnh khả năng các thị trường mới nổi hưởng lợi khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng CSTT thì yếu tố định giá hấp dẫn có thể là một điểm đến của dòng tiền.
TTCK Việt Nam có lợi thế, đã phục hồi ấn tượng trong tháng 8 nhờ xu hướng hồi phục của nền kinh tế, tăng trưởng LN tích cực trên diện rộng. Dựa trên danh sách theo dõi của SSI Research, tăng trưởng LN so với cùng kỳ có thể đạt mức 21,7% trong 6T cuối năm 2024; tăng tốc đáng kể so với mức chỉ 6,2% trong 6T đầu năm.
Thứ ba, trong khi đó, dòng tiền từ khối NĐT trong nước kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi NHNN có thể điều hành chính sách theo hướng nới lỏng khi Fed chính thức hạ lãi suất và đồng USD hạ nhiệt.
Trên thực tế, dòng tiền khối NĐT đã "cân" lực bán của khối ngoại và tổ chức miệt mài trong những tháng qua. Sự kỳ vọng sôi động của thanh khoản thị trường hút dòng tiền khối NĐT cá nhân, bất chấp xu hướng lãi suất tiền gửi đang tăng và sự "trở mình" phục hồi dù còn mong manh của thị trường bất động sản, đang được minh chứng bởi cơ sở tài khoản chứng khoán cá nhân tích cực; đi cùng yêu cầu "làm sạch dữ liệu" để tạo minh bạch trong giao dịch trên thị trường.
"Nhìn chung, mặc dù có thể còn những biến động khi phải thận trọng theo dõi các dữ liệu về các kịch bản của nền kinh tế Mỹ, đã có nhiều hơn các yếu tố có thể tác động tích cực lên lên TTCK Việt Nam cho giai đoạn cuối năm khi tăng trưởng đi kèm với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ.
Chúng tôi kỳ vọng điểm số và thanh khoản của thị trường sẽ khởi sắc hơn trong 2 tuần cuối tháng 9 khi trọng tâm theo dõi sẽ quay lại tập trung vào các yếu tố nội tại trong nước", chuyên gia SSI dự báo. Đồng thời, nhóm chuyên gia khuyến nghị NĐT tiếp tục phân bổ danh mục cân bằng, vừa đảm bảo hưởng lợi từ kỳ vọng hồi phục tăng trưởng như Tiêu dùng (Thực phẩm, Bán lẻ), Xuất khẩu, Ngân hàng, Xây dựng/Vật liệu xây dựng.