Thị trường

Tái diễn tình trạng bỏ cọc đấu giá đất ngoại thành Hà Nội: Cần tăng chế tài xử phạt

Diệu Hoa 10/09/2024 05:00

Dù đã hết thời hạn nhưng hiện mới có 13/68 lô trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) nộp tiền.

dat-dau-gia(1).jpeg
68 lô đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Ảnh: DH

Theo đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, hiện đã hết thời hạn nộp tiền phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba , thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, nhưng mới chỉ có 13 lô đất nộp đủ tiền, đều là những lô có mức giá trúng thấp. Riêng lô đất được trúng giá hơn 100 triệu đồng/m2 hiện chưa nộp tiền trúng đấu giá và bỏ cọc.

Theo quy định, hết 120 ngày mới hủy kết quả phiên đấu giá nên huyện Thanh Oai vẫn chưa có phương án và thời hạn đấu giá lại.

Trước đó ngày 10/8, huyện Thanh Oai tổ chức thành công phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần , xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội), có diện tích 60-85m2 với giá khởi điểm từ 8,6 triệu đồng/m2 đến 12,5 triệu đồng/m2.

Phiên đấu giá đã thu hút được 4.600 hồ sơ nộp tham gia, 4.201 hồ sơ đủ điều kiện. Phiên đấu giá này đã "gây sốt" khi mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Trong đó, lô góc có giá trúng cao nhất hơn 100,5 triệu đồng/m2. Hầu hết các lô đất có giá trúng từ trên 80 - 90 triệu đồng/m2, lô trúng thấp nhất là 51,6 triệu đồng/m2.

4c727ca46ab5ceeb97a4-c2bd01a4e0189dd3e5efa53443c7202f.jpeg
Người trúng rao bán sang tay ngay sau các phiên đấu giá.

Đáng chú ý, sau các phiên đấu giá, nhiều người lập tức chào bán với mức giá chênh từ 200 đến 800 triệu đồng/lô. Các biển chào bán chênh được cắm tràn lan gần khu đấu giá và xuất hiện nhiều trên các trang tin rao bán bất động sản.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 82/CĐ-TTg 2024 yêu cầu kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ TN&MT, UBND TP Hà Nội ngày 23/8 đã tiến hành kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức.

Thông tin về việc kiểm tra, ông Chu An Trường, Phó cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên, Bộ TN&MT cho biết, đoàn kiểm tra bước đầu nhận thấy, khối lượng hồ sơ, tài liệu liên quan đến các cuộc đấu giá là rất lớn, nên không thể kiểm tra, rà soát nhanh. Chỉ riêng ở huyện Thanh Oai, có đến 4.500 hồ sơ nộp tham gia đấu giá đất. Kết quả cuộc đấu giá, đoàn kiểm tra đã yêu cầu địa phương báo cáo, xem xét hồ sơ.

Bên cạnh đó chưa đủ căn cứ để khẳng định được có kẽ hở trong đấu giá đất hay không. Theo quy định pháp luật thì các văn bản đã nêu đầy đủ liên quan cách xác định giá.

Chia sẻ trước đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, hiện nay tồn tại tình trạng nhiều nhà đầu tư tham gia các phiên đấu giá này là những người có "nghề" đấu giá đất, họ thường tham gia với mục đích “lướt sóng", không quan tâm giá trị thật là bao nhiêu, cứ trúng đã rồi mua bán sang tay ngay để kiếm lời hoặc sẵn sàng bỏ cọc nếu thị trường không hưởng ứng.

Hay mục đích “nguy hiểm” hơn là tạo “sốt" đất. Các cá nhân này lợi dụng việc đặt cọc đấu giá nhằm mục đích thổi giá các khu đất liên quan. Thậm chí bất chấp rủi ro, hợp thức hóa mức giá bằng cách thanh toán đầy đủ theo mức giá đấu trúng, để lấy mức giá này làm căn cứ kích giá đất ở các huyện vùng ven, kích giá đất nhiều nơi leo thang, thậm chí “sốt” ảo.

Hệ lụy của các tình trạng này là giá bất động sản vốn đã cao nay lại càng tăng, khiến giấc mơ về nhà ở ngày càng xa vời với người dân, đặc biệt là người trẻ.

Mức giá đấu tăng cao “vượt xa" giá trị thật không chỉ gây khó khăn cho công tác thẩm định giá tài sản phục vụ các đợt đấu giá tiếp theo tại địa phương đấu giá mà còn tại nhiều nơi trên cả nước.

TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã bổ sung các chế tài xử lý vi phạm với người tham gia đấu giá tại Điều 70. Theo đó, với trường hợp giao, cho thuê đất để thực hiện dự án, người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc khiến kết quả bị hủy, sẽ không được tham gia đấu giá trong 6 tháng đến 5 năm. Tuy nhiên, đến ngày 1/1/2025 luật này mới có hiệu lực.

Trong khi đó, các Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8 vừa qua đã có những quy định siết chặt hơn trong kinh doanh nhà đất. Tác động một phần đến xu hướng, tâm lý đầu tư. Trong thời gian này, các dự án vẫn đang chờ luật mới chính thức “ngấm” thị trường, do đó, đất đấu giá là phân khúc “đất sạch”, đã có hạ tầng, nên hấp dẫn nhà đầu tư hơn.

Trước những diễn biến gần đây, các chuyên gia kiến nghị cần có sự điều chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước. Trước mỗi cuộc đấu giá đất phải xem lại năng lực của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải chứng minh nếu thắng thì nguồn tiền ở đâu.

Về phía các luật sư cho biết, mức xử phạt hành chính áp dụng theo quy định tại Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt hành chính đối với hành vi không ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá chỉ từ 7 đến 10 triệu đồng. Đây là mức xử phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, cần tăng chế tài xử phạt.

Diệu Hoa