Huyện Tuần Giáo - Điện Biên: Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng
Năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, huyện Tuần Giáo phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Đó là chia sẻ của ông Hà Cầm Hồng, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Theo ông Hồng, để hiện thực hoá 02 khâu đột phá tại Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 là “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng” và “Xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị”, năm 2024, huyện tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch nhằm thu hút đầu tư, tạo thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài huyện để thu hút đến đầu tư vào các lĩnh vực là tiềm năng, thế mạnh của huyện.
Cụ thể như: Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Nguồn lực cho đầu tư phát triểnvẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của huyện.
Đặc biệt, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024 còn chưa đầy đủ, gây nhiều khó khăn cho cấp huyện trong việc áp dụng đơn giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư của các dự án và giá đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện. Ảnh hưởng chung đến tiến độ thi công các dự án và kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, làm chậm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội từ nguồn lực đầu tư công và kết quả thu ngân sách trên địa bàn...
- Trước những “rào cản” đó huyện đã có những giải pháp gì nhằm “khơi thông” hiện thực hoá các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2024, thưa ông?
Huyện tập trung thực hiện có hiệu quả 09 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu, Chương trình giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và dự toán ngân sách năm 2024. Tiếp tục triển khai có hiệu quả 02 khâu đột phát của huyện tại Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 là “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng” và “Xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị”.
Ngoài ra, huyện nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với xây dựng chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn huyện.Tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực kế hoạch đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia...
Đồng thời, hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, chất lượng tham mưu đề xuất cơ chế chính sách của các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thịtrấn.Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận và ứng dụng khoa học-công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Doanh nghiệp là một trong những nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội, vậy để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, huyện đã có những chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ra sao, thưa ông?
Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế; Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế, do vậy, huyện đã rà soát cập nhật điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch đô thị, nông thôn trên địa bàn huyện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn, gắn với việc kêu gọi thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị, hạ tầng thương mại, dịch vụ từ các thành phần kinh tế. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm tạo các điều kiện tốt nhất để các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động thương mại và sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, huyện nỗ lực cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức trong phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả phản ứng chính sách thông qua việc kịp thời tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thành lập mới hoặc mở chi nhánh trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh thực hiện Dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền giảm phí, lệ phí trong trường hợp thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.
Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch nhằm thu hút đầu tư, tạo thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài huyện để thu hút đến đầu tư vào các lĩnh vực là tiềm năng, thế mạnh của huyện. Đề xuất những chủ trương, định hướng thu hút đầu tư về các lĩnh vực xúc tiến thương mại, du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, tăng cường hợp tác liên kết đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế, trục động lực kinh tế.
Đặc biệt, huyện thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; từng bước nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
- Từ những chính sách hỗ trợ từ chính quyền các cấp, theo ông doanh nghiệp cần làm gì đồng hành cùng chính quyền huyện nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung?
Tôi cho rằng, để tăng cường mối quan hệ gắn bó, đồng hành giữa chính quyền với doanh nghiệp thì, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng dần quy mô hoạt động, đổi mới sáng tạo, nắm bắt tốt nhu cầu thị trường. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuấtđể tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chủ lực của địa phương như Cà phê, Mắc ca,... Phát triển các loại cây dược liệu có giá trị như: Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu, Hồi, Sa Nhân…; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao phù hợp trong nông nghiệp, y dược, phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh.
Quan tâm đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Quan tâm phát triển du lịch tại địa phương đề du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo mô hình cấu trúc không gian 04 trục động lực - 03 vùng kinh tế - 04 cực tăng trưởng được phê duyệt tại Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 27/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Nhằm đồng hành phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa, UBND huyện sẽ có những giải pháp gì nhằm tạo bước đột phá góp phần nâng cao vị thế năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của Điện Biên?
Huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường về giá cả, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, trang thiết bị công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trợ giúp tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khảo sát và tham dự các triển lãm về công nghệ mới, tiếp cận thị trường, trao đổi thông tin, tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm... Cải thiện việc cung cấp thông tin, hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư.
Cùng với đó, huyện thực hiện tốt Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện đã được phê duyệt. Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, đảm bảo cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hỗ trợ khảo sát địa điểm.
Công bố, công khai minh bạch bằng nhiều hình thức về quy trình thủ tục, thành phần hồ sơ, các loại biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết để hoàn thiện mẫu TTHC, quy định thời gian giải quyết, các mức phí, lệ phí theo quy định để người dân và doanh nghiệp dễ hiểu và dễ thực hiện.
Mặt khác, huyện thường xuyên kiểm tra, hoạt động của bộ phận một cửa, giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh công vụ, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm không đúng quy chế “một cửa liên thông”. Thực hiện nghiêm quy định về thời gian trong giải quyết các T tại các phòng ban chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn.
Tăng cường phát huy tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo huyện trong quá trình thực thi chính sách của Trung ương, của tỉnh cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Lãnh đạo huyện thường xuyên đối thoại trực tiếp và kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đối với những vướng mắc vượt quá thẩm quyền của các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn những vấn đề có ý kiến khác nhau giữa các phòng ban chuyên môn giao một cơ quan chủ trì, tham mưu đề xuất phương án giải quyết dứt điểm không phản ánh kiến nghị kéo dài.
Thực hiện công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận các thông tin, thực hiện các TTHC và tiếp cận về đất đai, tín dụng, đảm bảo chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật.
Hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, các kế hoạch phát triển cũng như những thay đổi có liên quan. Tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp và các tổ chức, công dân về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tạo điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức và công dân hiểu, tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ.Thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển nhân lực huyện giai đoạn 2021 - 2025, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo, bồi dưỡng công chức xã đến năm 2025”.
Trân trọng cảm ơn ông!