Tạo “luồng xanh” thu hút các nhà đầu tư chiến lược
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư cần có quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt.
Quy định về quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư như công nghệ cao đang được đề xuất trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Một luật sửa 4 luật) nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thời gian qua, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên toàn cầu. Xu hướng này dự báo tiếp tục gia tăng. Nhiều nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… đang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư và xúc tiến các dự án đầu tư có quy mô lớn tại Việt Nam.
Để nắm bắt cơ hội này, ngoài những lợi thế sẵn có và chính sách ưu đãi, GS TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lưu ý đến vấn đề quan trọng: các tập đoàn lớn rất coi trọng yếu tố thời gian. Nếu không thể đạt được kết quả trong thời gian nhất định, từ 6 tháng đến 1 năm chẳng hạn, dự án có thể không được thực hiện. Do đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục đầu tư là cần thiết.
Tại một số quốc gia trong cạnh tranh thu hút đầu tư từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đã và đang đẩy mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược trên cơ sở sở áp dụng các thủ tục hành chính đặc biệt ở các mức độ khác nhau, song song với việc hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư.
Con ở Việt Nam, việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch… đã được áp dụng trong các Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng… Tuy nhiên, các dự án nói trên vẫn thực hiện theo các thủ tục đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…
Điều này có nghĩa là thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn có ở nhiều luật khác nhau như đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy… Thời gian thực hiện thủ tục đầu tư vì thế mất nhiều thời gian bởi mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian; một số thủ tục quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng); một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác...
Việc thực hiện thủ tục về đầu tư kéo dài qua nhiều bước, nhiều khâu liên quan trong nhiều lĩnh vực khác nhau chưa đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, có thể làm mất đi cơ hội trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư.
Từ thực tế trên, việc xây dựng, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu là cần thiết, cấp bách. Quy định này sẽ góp phần rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các địa phương về dự thảo Một luật sửa 4 luật, trong đó có quy định về nội dung trên. Một luật sửa 4 luật được trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), đáp ứng yêu cầu thực tiễn.