Hải Dương: Thiệt hại ước tính hơn 150 tỷ đồng sau bão Yagi
Sau càn quét của siêu bão Yagi, Hải Dương ghi nhận thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ước tính ban đầu khoảng hơn 150 tỷ đồng.
Thiệt hại nặng nề
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, ước tính ban đầu, bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, công trình điện, viễn thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Cụ thể, về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có khoảng hơn 10.000 ha lúa bị đổ nát, 1.200 ha cây rau màu bị dập nát, hơn 6.000 cây ăn quả bị đổ gãy. Nhiều mái tôn, cửa kính của các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp bị sập, lật, hư hỏng nặng. Nhiều biển quảng cáo, cây xanh bị gãy đổ gây ách tắc giao thông tại nhiều tuyến đường.
Được biết, toàn tỉnh cũng có khoảng 26 cột điện bị gãy, đổ, gây mất điện trên diện rộng. Nhiều địa phương vẫn rơi vào tình trạng mất sóng, mạng viễn thông bị gián đoạn do đứt cáp quang, một số trạm BTS bị đổ sập.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương tại các vùng nông thôn ở Hải Dương vẫn đang trong cảnh mất điện, mất nước sinh hoạt. Người dân sống trong cảnh “3 không”: không điện, không nước, không sóng điện thoại.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (người dân xã Đại Đức, huyện Kim Thành) chia sẻ: “Từ khi bão Yagi ập tới, nhà tôi cũng như nhiều bà con khác đã bị cắt điện, cùng với đó, nguồn nước sạch sinh hoạt cũng mất theo, sóng điện thoại cũng không có để theo dõi các thông tin về bão cũng như liên lạc với người thân, bạn bè ở xa. Trong lòng chúng tôi cũng lo lắng không yên”.
Còn ông Phạm Văn Tuyên (chủ doanh nghiệp tại xã Bình Dân, huyện Kim Thành) cho hay: “Siêu bão qua đi, hầu như nhà nào cũng bị thiệt hại về tài sản. Nhất là đối với các hộ kinh doanh như tôi, gió tốc nhà xưởng làm ảnh hưởng đến hàng hóa bên trong. Hay hệ thống rau màu chỉ còn nửa tháng nữa được thu hoạch nay cũng mất trắng. Nhìn thấy cảnh này, chúng tôi cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì tiếc công, tiếc vốn bỏ ra”.
Gấp rút khắc phục
Các sở ban ngành, địa phương cũng đang gấp rút triển khai, nỗ lực khắc phục các hậu quả do bão Yagi gây ra. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường ở các khu vực bị ảnh hưởng do bão. Các địa phương thống kê thiệt hại trong sản xuất, nuôi thả thủy sản, kinh doanh và cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, nhanh chóng đánh giá mức độ thiệt hại để có giải pháp khắc phục hậu quả. Trường hợp vượt quá khả năng của địa phương sẽ đề xuất với tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị triển khai công tác khắc phục hậu quả liên quan đến ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố triển khai khắc phục hậu quả do bão càn quét.
Ông Lê Ngọc Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: "Yêu cầu các cấp, các ngành tập trung cao độ để khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3. Đồng thời, cũng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm quay trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất. Mặt khác, chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, sơ tán người dân ra khỏi nơi xung yếu, có nguy cơ ngập lụt, bảo đảm an toàn cho người dân là trên hết".
Đặc biệt, UBND tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, khắc phục toàn diện đối với các cơ sở bị thiệt hại, tránh nguy cơ tiềm ẩn sau bão, quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Y tế, lực lượng Quân đội, Công an tham mưu các phương án, giải pháp khắc phục ảnh hưởng sau bão. Đối với Điện lực Hải Dương cũng khẩn trương sửa chữa các sự cố hệ thống công trình điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, trong đó ưu tiên ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng. Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương bơm tiêu úng kịp thời các diện tích bị úng ngập, tránh ngập lụt sau mưa bão.
Ngày 9/9, Phó Thủ trướng Chính phủ cũng đã Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 943/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 tại Hải Dương được hỗ trợ 20 tỷ đồng. UBND tỉnh Hải Dương sẽ cân đối nguồn chi một cách hợp lý, hiệu quả, tránh gây lãng phí, thất thoát, kịp thời khắc phục thiệt hại cho các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Hiện, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được phủ sóng trở lại, đảm bảo việc liên lạc thông suốt cho người dân. Đồng thời, nguồn điện cũng đang được nỗ lực khắc phục ở tất cả địa phương, sẵn sàng cung cấp điện trở lại cho người dân, doanh nghiệp trên toàn tỉnh trong thời gian sớm nhất.