VCSF 2024: Doanh nghiệp chuyển đổi xanh cho mục tiêu Net Zero
Niềm tin và nỗ lực của doanh nghiệp trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu Net Zero đang được đắp bồi, tạo xung lực mạnh mẽ cho sự chuyển đổi xanh đồng bộ về nhận thức, tư duy và hành động.
Phát biểu khai mạc phiên chính thức Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2024 với chủ đề “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin - Kiến tạo chuyển đổi”, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Diễn đàn diễn ra trong điều kiện và bối cảnh đặc biệt. Chưa bao giờ, người dân Việt Nam, nhất là các tỉnh phía Bắc cảm nhận rõ giá trị của phát triển bền vững như những ngày này khi miền Bắc vừa hứng chịu trận siêu bão lớn nhất trong 3 thập kỷ qua. Cơn bão số 3 có tên quốc tế là Yagi với sức tàn phá ghê gớm ở cả cấp độ, cường độ và phạm vi.
Cả nước vẫn đang nỗ lực chung tay, vừa khẩn trương khắc phục hậu quả nặng nề do bão Yagi gây ra, vừa đối phó với lũ lụt ở mức cao lịch sử do hoàn lưu bão ở các tỉnh miền núi phía Bắc, gây ra những thiệt hại vô cùng lớn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Qua thông tin từ các Hiệp hội doanh nghiệp, thiệt hại do bão lũ gây ra đã lên đến ngàn tỷ.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, VCCI đang chuẩn bị báo cáo để kịp thời gửi Chính phủ kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tại những khu vực bị bão phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời, gửi lời kêu gọi đến cộng đồng doanh nghiệp chung tay giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả lũ lụt.
Theo các nhà khoa học sở dĩ các cơn siêu bão ngày càng xuất hiện nhiều hơn, bất thường hơn là do sự nóng lên của trái đất nói chung và sự nóng lên của đại dương nói riêng. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc - ông António Guterres cũng đã cảnh báo hồi tháng 8, nhiệt độ nước biển khu vực Thái Bình Dương đang tăng nhanh gấp 3 lần so với mức tăng trung bình của toàn cầu.
Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh: cơn bão Yagi là minh chứng nữa cho thấy sự nóng lên của trái đất. Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây ra những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan, tác động nghiêm trọng đến sự tồn vong của loài người. Hơn lúc nào hết, mục tiêu phát triển bền vững, làm chậm quá trình tăng nhiệt của trái đất trở thành mục tiêu toàn cầu tối quan trọng và cấp thiết. Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững là mục tiêu, là yêu cầu chiến lược đối với tất cả doanh nghiệp hiện nay.
Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam đã đưa ra cam kết và tích cực chủ động, nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính - tác nhân chính của sự nóng lên toàn cầu. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước đã xác định ưu tiên áp dụng mô hình phát triển bền vững dựa trên xây dựng đồng thời 2 lộ trình.
Thứ nhất, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng chống chịu.
Thứ hai, giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử carbon trong quá trình tăng trưởng bằng cách cắt giảm theo lộ trình phù hợp lượng phát thải và hướng nền kinh tế theo hướng giảm dần tiêu thụ các nguồn năng lượng thâm dụng carbon, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết chính trị tại hội nghị COP 26.
“Để thực hiện thành công các lộ trình này, chúng ta thống nhất với nhau rằng, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp là hết sức quan trọng” - Chủ tịch Phạm Tấn Công khẳng định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mục tiêu, lộ trình trung hòa carbon, hàng loạt câu hỏi, băn khoăn đang được đặt ra. Đó là việc triển khai thực hiện liệu có dễ dàng? Đâu là những khó khăn, thách thức mà chúng ta gặp phải? Mục tiêu Net Zero vào năm 2050 liệu có khả thi? Làm sao để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng của một quốc gia đang phát triển với nguồn lực có hạn như Việt Nam với mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính?
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, VCSF - sự kiện thường niên quan trọng là không gian để cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, đối thoại cùng làm sáng tỏ và tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên; đồng thời phổ biến chính sách, xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. VCSF phản ánh thực tiễn đời sống sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ giải pháp, sáng kiến và mở ra cơ hội hợp tác hướng tới sự phát triển bền vững, bắt kịp với các xu thế phát triển mới trên thế giới.
Qua 11 năm tổ chức, VCSF luôn được mong đợi không chỉ của cộng đồng doanh nghiệp mà còn có các nhà hoạch định, xây dựng chính sách và cơ quan quản lý nhà nước. Diễn đàn nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của lãnh đạo Chính phủ, của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững.
Thông tin về việc quyết định lựa chọn chủ đề “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin - Kiến tạo chuyển đổi” cho VCSF 2024, ông Phạm Tấn Công bày tỏ: VCCI - VBCSD mong muốn diễn đàn là dịp để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chung tay khẳng định niềm tin và những nỗ lực của mình trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
“Niềm tin đó đang được đắp bồi và từ đó tạo ra những xung lực mạnh mẽ cho sự chuyển đổi đồng bộ: chuyển đổi về nhận thức; chuyển đổi về tư duy và chuyển đổi về hành động. Chúng tôi cũng hiểu rất rõ và tin tưởng rằng, những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp sẽ luôn nhận được sự định hướng, đồng hành, chung tay hỗ trợ của cả hệ thống chính trị” - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu rõ.