Kinh tế thế giới

Hiểm họa biến đổi khí hậu nhìn từ các siêu bão

Nam Trần 11/09/2024 03:00

Biến đổi khí hậu đang khiến các siêu bão ngày càng mạnh hơn, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng trên toàn cầu, đặc biệt tại Mỹ và Đông Nam Á.

200821231736-01-hurricane-katrina-15-years.jpg
Cơn bão Katrina năm 2005 gây thiệt hại gần 200 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ (Ảnh: CNN)

Siêu bão "thổi bay" GDP một quốc gia

Trong những thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến ​​nhiều cơn bão khủng khiếp với thiệt hại kinh tế tăng cao, đặc biệt tại các khu vực nhạy cảm với thiên tai.

Cho tới nay, cơn bão Katrina (2005) vẫn là thiên tai gây hậu quả kinh tế lớn nhất từng ghi nhận với thiệt hại ước tính lên tới 191.3 tỷ USD – tương đương với GDP của một quốc gia đang phát triển.

Là một trong những thảm họa tự nhiên khủng khiếp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, cơn bão này đã quét qua bang Louisiana, phá hủy gần như hoàn toàn cơ sở hạ tầng và nhà cửa thành phố New Orleans. Sự kiện này đã bộc lộ ra những thiếu sót lớn trong công tác quản lý thiên tai và khủng hoảng ở Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải tái cấu trúc các chính sách liên quan đến quản lý thiên tai và phục hồi sau thảm họa.

Giai đoạn 5 năm từ 2017-2022 có thể coi là một cột mốc về sức tàn phá của các siêu bão. Cơn bão Harvey năm 2017 gây ngập lụt thành phố Houston, bang Texas, gây thiệt hại ước tính 152,2 tỷ USD. Cơn bão đã gây ra lượng mưa kỷ lục và lũ lụt, phá hủy hàng ngàn ngôi nhà và cơ sở hạ tầng. Chỉ một năm sau, cơn bão Maria quét qua vùng biển Caribbe đã phá hủy hầu hết cơ sở hạ tầng của Puerto Rico, bao gồm cả hệ thống lưới điện, ước tính thiệt hại lên tới 109,8 tỷ USD.

Năm 2022, cơn bão Ian gây thiệt hại cho nền kinh tế bang Floria (Mỹ) khoảng 114 tỷ USD, đánh sập nhà cửa và đường sá với sức gió và lượng mưa cực kỳ lớn. Hậu quả là ngành du lịch và dịch vụ - những trụ cột kinh tế chính của bang - chịu nhiều tác động to lớn.

Tại Đông Nam Á, Philippines là quốc gia hứng chịu nhiều siêu bão nhất, một trong số đó là Haiyan năm 2013. Cơn bão mạnh nhất từng được chứng kiến ở thời điểm đó của Châu Á đã tàn phá nhiều khu vực ở Đông Nam Á, gây ra thiệt hại ước tính 5,8 tỷ USD, khiến khoảng hơn 6.000 người thiệt mạng. Việt Nam vài năm trở lại đây cũng phải hứng chịu các cơn bão có sức tàn phá lớn như Yagi (2024), Noru (2022), Damrey (2017) hay Haiyan (2013).

bao0609-1725586189607-172558618981014463258191.jpg
Những siêu bão như Yagi có khả năng sẽ xuất hiện nhiều hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Hậu quả khó lường từ biến đổi khí hậu

Theo các chuyên gia khí hậu, biến đổi khí hậu đang làm thay đổi môi trường và đẩy nhanh việc hình thành và phát triển của các cơn bão có cường độ ngày càng mạnh.

Bão nhiệt đới được hình thành từ sự kết hợp của nước biển ấm, không khí ẩm và gió ổn định, khiến khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông trở thành nơi “cư ngụ” lý tưởng của chúng. Trong năm 2024, nhiệt độ nước biển ở đây đã vượt ngưỡng 31 độ C, cung cấp nguồn năng lượng lớn cho các cơn bão như Yagi.

Khi biến đổi khí hậu làm gia tăng nhiệt độ nước biển, các cơn bão có nhiều khả năng mạnh mẽ và nguy hiểm hơn. Khí hậu nóng lên cũng khiến không khí giữ nhiều hơi nước hơn, làm tăng lượng mưa mà các cơn bão mang lại, gây ra lũ lụt nghiêm trọng, theo các nhà khí tượng.

Chuyên gia khí tượng học, Dr. James Franklin, từ Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC), nhấn mạnh rằng: "Sự thay đổi trong mô hình thời tiết toàn cầu đang dẫn đến sự gia tăng tần suất và cường độ của các sự kiện thời tiết cực đoan, bao gồm cả bão."

Ngoài ra, mực nước biển dâng cao cũng làm tăng nguy cơ và tác động của sóng thần bão, vốn làm tăng mức độ ngập lụt trong các đợt bão.

Một nghiên cứu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) chỉ ra rằng số lượng bão không tăng nhiều, nhưng tỷ lệ các cơn bão đạt đến cấp độ mạnh nhất - sẽ tăng lên.

Điều này có nghĩa là trong tương lai, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với những cơn bão lớn và nguy hiểm hơn, đặc biệt là ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu cho các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng phải nhanh chóng chuẩn bị các giải pháp ứng phó ngày càng tăng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo vệ tài sản và tính mạng con người. Về phía các doanh nghiệp, cũng cần có phương án chuẩn bị để tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường.

Nam Trần