VCSF 2024: Doanh nghiệp chuyển đổi xanh sáng tạo và bền vững
Theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp tiên phong đã chuyển đổi xanh sáng tạo và bền vững.
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2024 với chủ đề “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin - Kiến tạo chuyển đổi”, đại diện các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhấn mạnh đến sự lựa chọn không dễ dàng. Đó là đầu tư cho phát triển bền vững nhưng không ảnh hưởng đến lợi nhuận trước mắt của doanh nghiệp.
Kiên định mục tiêu, gia tăng lợi nhuận
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho rằng, phát triển bền vững và lợi nhuận tựa như 2 mặt của một đồng xu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên coi đầu tư phát triển bền vững là chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Thực hiện phát triển bền vững đúng cách, về lâu dài, doanh nghiệp sẽ gia tăng lợi nhuận. Trên cơ sở đó, muốn theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp cần được bảo trợ, định hướng ngay từ cấp lãnh đạo cao nhất.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Trà My - đồng sáng lập và là CEO tập đoàn PAN nhấn mạnh đến mấu chốt cho thực hiện thành công phát triển bền vững là ý chí và quyết tâm của người đứng đầu. Tại tập đoàn PAN, theo bà Nguyễn Trà My, khi thực hiện chiến lược phát triển bền vững cũng gặp nhiều thách thức. Trong đó, khó khăn nhất là có rất nhiều công ty thành viên với các quy mô sản xuất khác nhau, chênh lệch về doanh thu, về tuổi đời lãnh đạo.
Tuy nhiên, khi đội ngũ lãnh đạo với vai trò quan trọng đầu tàu hiểu được vai trò và tầm quan trọng của phát triển bền vững - con đường để doanh nghiệp trường tồn phát triển và “go global” thì mọi việc mới thông. Cùng với đó, tập đoàn tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ, đào tạo, xây dựng ban chỉ đạo phát triển bền vững từ tập đoàn các doanh nghiệp thành viên; tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nội bộ mạnh mẽ để thấm nhuần tư tưởng, quan điểm phát triển bền vững đến đội ngũ nhân viên.
Kiên định mục tiêu đặt ra, hiện nay tập đoàn đã gia tăng giá trị cho nhiều nông sản xuất khẩu như gạo, hạt điều… thay vì xuất thô. Mới đây, PAN đã tiếp cận được dự án tài chính xanh tại hội nghị COP 28 cho 3 “gói” sản phẩm nông sản là lúa, tôm và hạt điều.
Tại VCSF 2024, đại diện các doanh nghiệp nhấn mạnh đến việc cần “cấy gen” phát triển bền vững trong suy nghĩ của cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp cũng như cụ thể hoá mục tiêu này bằng nhiều hoạt động thiết thực và sáng tạo.
Chẳng hạn, để bảo vệ môi trường và sức khoẻ người tiêu dùng, Nestlé Việt Nam thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy; Coca - Cola Việt Nam thay thế chai nhựa bằng chai giấy; Mondelez Kinh Đô Việt Nam sử dụng bao bì bằng giấy và tái chế để tạo ra mô hình tuần hoàn, đồng thời sử dụng nguyên liệu đầu vào sản xuất là trứng gà từ các trang trại không nuôi nhốt dù giá thành đắt hơn 30% so với trứng gà nuôi nhốt…
Chuyển đổi sáng tạo, tiếp cận bền vững
Từ những trao đổi, chia sẻ về sáng kiến, thông lệ tốt trong hành trình theo đuổi mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của doanh nghiệp, phát biểu bế mạc VCSF 2024, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD thông tin: trong các "mùa" tổ chức VCSF liên tục hơn 10 năm qua, đã có hơn 200 sáng kiến được đưa ra. Trong đó, sáng kiến đầu tiên về truy xuất nguồn gốc nông sản đến nay đã được các doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi.
Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh: mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 tiến tới Net Zero vào năm 2050 là thực sự cần thiết, bắt buộc phải thực hiện của các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Để làm được điều đó, ngay bây giờ cần thúc đẩy chuyển đổi đồng bộ, từ nhận thức, hành động tới tư duy với sự chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư tới người tiêu dùng và các bên có liên quan.
Trên hành trình xây dựng một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp rất quan trọng. Ngược lại, thúc đẩy phát triển bền vững đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh liên tục, nâng cao uy tín thương hiệu và phát triển dài hạn của doanh nghiệp.
“Phát triển bền vững không phải là gánh nặng mà là sự đầu tư “hái quả ngọt” cho chính doanh nghiệp và cộng đồng” - Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh khẳng định.
Ông Nguyễn Quang Vinh cũng nhấn mạnh thêm, phát triển bền vững doanh nghiệp cần được xây dựng trên nền tảng vững chắc ESG. Hướng tới Net Zero, doanh nghiệp không chỉ nghiên cứu mà thực hành các hoạt động sản xuất kinh doanh giảm phát thải, bảo vệ môi trường, quan tâm đến quản trị bền vững, tăng cường sự cam kết của các bên tham gia, của HĐQT trong việc xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp cũng như đầu tư phát triển nguồn vốn con người trong doanh nghiệp, cộng đồng xã hội.
Ngoài ra, để giải quyết các rào cản trong chuyển đổi xanh, cộng đồng doanh nghiệp cần chuyển đổi sáng tạo thông qua chuyển đổi phương thức kết nối, kết nối với người tiêu dùng để thúc đẩy hơn nữa những xu hướng, sự lựa chọn tiêu dùng xanh, đẩy mạnh sự tham gia của nữ lãnh đạo doanh nghiệp cũng như yếu tố đa dạng, bao trùm trong những sáng kiến thúc đẩy phát triển bền vững.