Mưa lớn tại miền Bắc, cẩn trọng khi lái xe qua vùng ngập nước
Mưa lớn đang gây ngập lụt tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc, tham khảo những kinh nghiệm lái xe an toàn để ứng phó hiệu quả trong mùa mưa bão.
Trong những ngày qua, tại nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc Việt Nam đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Mực nước nhiều tuyến sông lên cao đang gây ngập lụt tại nhiều địa phương . Ghi nhận tại Hà Nội, sáng 11/9, tình trạng ngập lụt đã xảy ra tại nhiều quận, huyện, nặng nề nhất là: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn, Tây Hồ, Long Biên…
Với tình hình này, di chuyển trên nhiều tuyến đường sẽ rất khó khăn, hãy "bỏ túi" những kinh nghiệm sau đây để đảm bảo an toàn khi lái xe qua vùng nước ngập trong mùa mưa bão.
Giảm tốc độ hoặc dừng hẳn để đánh giá tình hình
Giảm tốc độ hoặc dừng hẳn để đánh giá tình hình trước khi tiến vào vùng ngập nước. Hãy quan sát độ sâu bằng cách nhìn vào xe trước, thân cây hoặc vỉa hè để xác định lộ trình bánh xe có thể đi qua. Lưu ý rằng đường ở Việt Nam thường cao ở giữa và có độ dốc lớn về hai bên.
Quan sát kỹ các xe đi trước để tránh ổ trâu, ổ gà, những đoạn đường gồ ghề hoặc các chướng ngại vật. Đặc biệt, cần chú ý các miệng hố ga, bởi nếu xe sa bánh vào, việc duy nhất bạn có thể làm là gọi cứu hộ.
Đối với xe sedan (xe gầm thấp 4–5 chỗ), mức nước an toàn trung bình là 25cm, không nên vượt quá tâm bánh xe. Với xe gầm cao, độ sâu an toàn là khoảng 35cm. Nếu buộc phải di chuyển qua vùng ngập, kinh nghiệm cho thấy có thể cộng thêm 20cm nữa để vẫn vượt qua được. Tuy nhiên, nếu nước ngập đến cả bánh xe, hãy quay đầu hoặc chờ nước rút rồi mới tiếp tục.
Sử dụng đèn cảnh báo và đèn chiếu sáng
Sử dụng đèn khi lái xe qua đường ngập là rất quan trọng, không chỉ giúp chiếu sáng con đường phía trước mà còn hỗ trợ người lái trong việc ước lượng độ sâu của nước. Nếu trời vẫn còn sáng, hãy bật đèn gầm để cảnh báo và cải thiện tầm nhìn. Trong trường hợp trời âm u, bạn nên bật đèn cốt để có thể quan sát rõ ràng hơn. Việc bật đèn không chỉ đảm bảo an toàn cho bạn mà còn giúp các phương tiện khác nhận diện được xe của bạn từ xa.
Tắt điều hòa
Khi quyết định lái xe qua vùng ngập, bạn nên tắt điều hòa để bảo vệ xe. Việc tắt điều hòa sẽ ngừng hoạt động của quạt gió trong khoang máy, hạn chế nguy cơ nước bị hút vào sâu bên trong. Đồng thời, điều này cũng giúp giảm tải cho động cơ, cho phép xe tập trung năng lượng để vượt qua đoạn đường ngập.
Ngoài ra, bạn có thể hạ kính để không khí lưu thông và tránh bị ngột ngạt khi điều hòa tắt. Hãy lưu ý tắt các thiết bị điện không cần thiết khác như màn hình DVD hay loa để giảm thiểu nguy cơ gặp sự cố khi đi qua vùng nước sâu.
Giữ đều chân ga, không dừng giữa vùng ngập nước
Khi lái xe qua khu vực ngập, hãy giữ đều chân ga và chọn số thấp. Với xe số sàn, bạn nên đi ở số 1 hoặc 2, còn với xe số tự động hoặc bán tự động, hãy chuyển về số D1 hoặc sang chế độ số tay, cũng đi ở số 1 – 2.
Duy trì tốc độ ổn định từ 10 – 15km/h, tránh tăng hay giảm tốc đột ngột để hạn chế nước tràn vào khoang động cơ hoặc ống xả. Tuyệt đối không rồ ga vượt nhanh qua vùng ngập, vì điều này có thể khiến nước bị đẩy lên nắp capo và tràn vào cổ hút gió của động cơ, dẫn đến hiện tượng thủy kích.
Từ từ tăng ga khi thoát khỏi mực nước sâu
Khi gần thoát khỏi vùng nước sâu, hãy từ từ tăng ga để đảm bảo an toàn. Đồng thời, cần tránh các xe đi ngược chiều, vì sóng nước do xe đối diện tạo ra có thể bắn lên nắp capo, tăng nguy cơ nước tràn vào họng hút và khoang động cơ. Lúc thoát khỏi khu vực ngập, bạn có thể tăng tốc độ nhưng nên làm điều đó một cách thận trọng để đảm bảo không gây thêm rủi ro cho xe.
Kiểm tra lại xe sau khi vượt qua vùng nước
Sau khi an toàn vượt qua vùng ngập, dù xe không chết máy, nước vẫn có thể tích tụ ở một số nơi trong xe. Chính vì vậy, việc kiểm tra và bảo dưỡng xe càng sớm càng tốt là rất quan trọng. Nước bẩn từ đường ngập có thể làm hỏng lớp sơn và gầm xe, vì vậy nên rửa xe để tránh những hư hại bên ngoài. Đồng thời, hãy bảo dưỡng hệ thống cơ, hệ thống treo, và hệ thống đèn điện để đảm bảo nước không thấm vào bên trong, tránh gây hỏng hóc cho các bộ phận quan trọng. Nếu có bất kỳ hư hại nào, việc kiểm tra và sửa chữa sớm sẽ giúp việc khắc phục nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Không khởi động lại khi xe chết máy giữa vùng nước
Nhiều trường hợp dù đã lái đúng kỹ thuật, bạn vẫn gặp phải sự cố bất ngờ như đuối ga, chập điện, khiến nước vào động cơ và làm xe chết máy.
Khi đó, việc khởi động lại xe sẽ khiến nước tràn mạnh vào động cơ, gây hiện tượng thủy kích, dẫn đến hư hỏng nặng và chi phí sửa chữa rất cao, đặc biệt đối với các xe có tính năng turbo tăng tốc.
Hãy bình tĩnh, rút chìa khóa, cố gắng đẩy xe ra khỏi vùng nước hoặc gọi cứu hộ khẩn cấp. Nên lưu sẵn số điện thoại cứu hộ để sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.