Bùng nổ khu công nghiệp ở Nghệ An: Hiện thực hóa “giấc mơ” thịnh vượng
Việc định hình các khu công nghiệp đang là bước đi chiến lược trong kế hoạch phát triển kinh tế của Nghệ An nhằm mang đến một tương lai thịnh vượng, nâng tầm vị thế của tỉnh trong khu vực…
Bởi, phát triển khu công nghiệp (KCN) không chỉ hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, triển vọng cho doanh nghiệp, mà còn kiến tạo công ăn việc làm cho người dân, lao động địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, gia tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đưa kinh tế Nghệ An phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong thời gian tới.
“Lát cắt” từ Khu B - KCN Thọ Lộc
Mới đây, trong khuôn khổ nội dung Kỳ họp chuyên đề khóa XVIII, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua dự thảo Nghị quyết thông qua Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu B - KCN Thọ Lộc, tại xã Diễn Phú và xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.
Với việc thông qua trên, chính quyền tỉnh Nghệ An đang đặt ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển ngành công nghiệp bền vững trong tương lai gần, mở ra nhiều triển vọng cho doanh nghiệp và kiến tạo việc làm cho hàng chục nghìn người dân lao động địa phương.
Theo quy mô nghiên cứu lập quy hoạch gồm 215,5 ha, trong đó, diện tích quy hoạch khu B - KCN Thọ Lộc là 179,43 ha; diện tích đất ngoài khu công nghiệp là 35,72 ha. Khu B - KCN Thọ Lộc được chính quyền tỉnh xác định rõ là KCN tổng hợp đa ngành, công nghiệp sạch, có công nghệ kỹ thuật cao, có giá trị gia tăng cao và là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học; Sản xuất mô tô, xe máy, ô tô và xe có động cơ khác.
Bên cạnh đó, một số ngành, lĩnh vực cũng sẽ được đẩy mạnh để cung cấp cho thị trường nội địa và phục vụ cho xuất khẩu, điển hình như: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; Sản xuất chế biến thực phẩm; Sản xuất đồ uống; Các ngành công nghiệp nhẹ; Công nghiệp phụ trợ; Sản xuất trang phục; Sản xuất sản phẩm từ kim loại. Chưa kể, một phần diện tích khu B sẽ có chức năng: Cho thuê kho bãi, nhà xưởng xây sẵn; Kho bãi, Logistics và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; Các ngành sản xuất, kinh doanh khác phù hợp quy định hiện hành…
Một điểm đáng lưu ý là 35,72 ha diện tích đất ngoài KCN sẽ được sử dụng một cách thông minh để phục vụ các nhu cầu của doanh nghiệp và cộng đồng. Những khu vực này không chỉ là nơi lưu trữ hàng hóa hay sản phẩm cuối cùng, mà còn có thể biến thành các công viên xanh, khu vui chơi giải trí và dịch vụ hỗ trợ cho các nhà đầu tư, người lao động. Tất cả những yếu tố này không chỉ tạo nên sự cân bằng mà còn tăng cường giá trị của khu công nghiệp, khiến cho nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhìn về khu B – KCN Thọ Lộc, các chuyên gia kinh tế nhận định: Đây không chỉ là một địa điểm sản xuất mà còn là một nơi chứa đựng tiềm năng vô hạn cho các doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kết nối với các nhà đầu tư và đối tác quốc tế, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Lợi ích to lớn cho địa phương
Theo đánh giá, việc quy hoạch Khu B - KCN Thọ Lộc là một bước đi chiến lược trong kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An, đây không chỉ đơn thuần là một đồ án quy hoạch chi tiết mà còn là tấm vé hành trình đến một tương lai thịnh vượng.
Với tầm nhìn chiến lược đến năm 2040, chính quyền tỉnh Nghệ An đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, biến giấc mơ xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An trở thành khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa lĩnh, tạo nên một bức tranh tổng thể về một nền kinh tế địa phương đầy năng động và hiện đại.
Đơn cử như Dự án KCN - Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An tọa lạc tại cửa ngõ phía Tây thành phố Vinh, với các tuyến đường huyết mạch bao quanh như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 46A, 46B và Đại lộ nối Vinh – Cửa Lò. Tính đến tháng 6/2024, KCN trên đã thu hút 47 dự án, trong đó có 27 dự án FDI. Hiện nay, có 31 dự án đã đi vào hoạt động bước đầu tạo việc làm cho hơn 18.000 lao động. Dự kiến khi toàn bộ các nhà máy tại KCN VSIP đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 70.000 lao động.
Hay như KCN WHA IZ 1 - Nghệ An, với tổng diện tích 2.100 ha sau khi hoàn thành sẽ là KCN lớn với hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực Bắc Trung Bộ, kết nối các trung tâm sản xuất, chế tạo và phân phối phục vụ thị trường trong nước và quốc tế. Hiện, KCN này đã thu hút đầu tư 32 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 41.361 tỷ đồng, tương đương 1,65 tỷ USD.’
Đáng chú ý hơn cả, đó là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Thọ Lộc giai đoạn 1 do Công ty TNHH VSIP Nghệ An làm chủ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương vào tháng 2/2023. Quy mô diện tích dự án là 500 ha, trong đó, giai đoạn 1 là 300,2 ha, giai đoạn 2 là 199,8 ha; tổng mức đầu tư hơn 3.826 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Công ty TNHH VSIP Nghệ An, hiện nay có khoảng 10 nhà đầu tư thứ cấp, nhu cầu quỹ đất khoảng 150-200 ha đã và đang làm việc để tìm hiểu và thực hiện đầu tư tại Khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1). Trong đó có 4 nhà đầu tư đã ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư với diện tích hơn 120 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động địa phương.
Tại buổi làm việc gần đây với UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH VSIP Nghệ An cũng bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương cùng các sở, ban ngành liên quan tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục giao thuê đất đối với diện tích đã thực hiện giải phóng mặt bằng để kịp thời bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thứ cấp.
Có thể thấy, với việc bùng nổ các khu công nghiệp trên địa bàn, Nghệ An đang là điểm đến đầy hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp về “lót ổ” lâu dài. Minh chứng rõ nhất, địa phương này luôn lọt vào tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong các năm gần đây. Chỉ tính riêng năm 2023, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư FDI gần 1,6 tỷ USD, dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ, lập nên kỳ tích trong điều hành, phát triển kinh tế.
Về nội dung này, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng từng nhấn mạnh rằng: Thu hút nguồn vốn FDI chính là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành kinh tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu. Đây là nguồn lực để các địa phương có điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển.