Nhiều doanh nghiệp quan ngại với AI của Apple
Apple có thể phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh ở iPhone 16, nhưng gây lo ngại về cách công nghệ này xử lý dữ liệu nhạy cảm của doanh nghiệp.
Tác động với doanh nghiệp
Các mẫu iPhone mới của Apple có thể sớm thúc đẩy việc ứng dụng AI trong các nhiệm vụ kinh doanh, dù các chuyên gia công nghệ thông tin đang đặt câu hỏi về cách hệ thống AI của dòng sản phẩm này xử lý dữ liệu quan trọng của doanh nghiệp.
Đầu tuần này, Apple đã giới thiệu thế hệ iPhone mới, trong đó tập trung quảng bá AI trong hệ điều hành của thiết bị mới. Các công cụ mới — được gọi là “Apple Intelligence” — bao gồm trợ lý giọng nói Siri được cải tiến và nhiều khả năng tạo văn bản và chỉnh sửa ảnh.
Trước đó, Apple đã công bố hầu hết các chức năng AI này vào tháng 6, cũng như chuẩn bị một phiên bản thử nghiệm một số tính năng Apple Intelligence sẽ có sẵn vào tháng sau.
Bất chấp được truyền thông rộng rãi, AI của Apple dường như không tạo được ấn tượng mạnh mẽ. Cổ phiếu của công ty giảm hơn 1% trong buổi giới thiệu hôm thứ Hai, phản ánh sự hoài nghi của thị trường đối với các sản phẩm tập trung vào AI.
Nhưng đối với các doanh nghiệp, họ vẫn lạc quan về tiềm năng của AI và đang tìm hiểu về năng lực ứng dụng công nghệ mới của Apple vào trong hoạt động kinh doanh.
Shawn Malhotra, Giám đốc Công nghệ của công ty dịch vụ tài chính Rocket Cos., cho biết dù rất hào hứng với thử nghiệm AI trên iPhone giúp người dùng chạy các thuật toán AI mà không cần máy chủ đám mây từ xa, nhưng ông cũng lo ngại về vấn đề đảm bảo an toàn dữ liệu và bảo mật thông tin.
Nhiều lo ngại về bảo mật
Kunal Anand, Giám đốc Công nghệ và AI của công ty bảo mật F5, đã thử nghiệm phiên bản beta của Apple Intelligence từ tháng 8. Cho đến nay, ông nhận thấy thiếu sự rõ ràng và minh bạch, cũng như ít hệ thống để theo dõi chính xác khi nào và ở đâu các ứng dụng AI sẽ chạy trên thiết bị so với trên đám mây — nơi các Giám đốc công nghệ thông tin (CIO) thường muốn tránh việc có dữ liệu nhạy cảm. “Rất không rõ ràng,” Anand nói.
Apple cho biết với Apple Intelligence, chạy trên các mô hình AI độc quyền của Apple, người dùng sẽ có quyền truy cập vào nhật ký minh bạch, cho thấy yêu cầu nào được xử lý trên thiết bị và yêu cầu nào được xử lý trên hệ thống Apple’s Private Cloud Compute, hệ thống AI đám mây được thiết kế riêng cho việc xử lý AI riêng tư.
Apple cũng cho biết họ có các kiểm soát bảo mật nghiêm ngặt đối với thiết lập Private Cloud Compute, đảm bảo rằng các yêu cầu xử lý trên hệ thống này có mức độ bảo mật tương đương với việc xử lý trên thiết bị.
Apple cũng thông báo về thỏa thuận với OpenAI, trong đó chatbot của công ty khởi nghiệp này sẽ xử lý một số chức năng mà AI của Apple không thể thực hiện. Đối với một số tính năng, chẳng hạn như tạo văn bản hoàn chỉnh, điện thoại có thể gợi ý rằng đó là một yêu cầu tốt hơn để ChatGPT xử lý, và sau đó hỏi người dùng có cho phép gửi yêu cầu đó đến máy chủ của ChatGPT không. Apple cũng cho biết tính năng này sẽ bị tắt mặc định và yêu cầu người dùng phải tự bật.
Ngoài ra, Apple cho biết các thiết bị này bao gồm các hệ thống cho phép các phòng công nghệ thông tin quản lý quyền truy cập của người dùng vào các tính năng Apple Intelligence, bao gồm cả tích hợp với ChatGPT.
Anshu Bhardwaj, Phó Chủ tịch Cấp cao và Giám đốc điều hành của đơn vị công nghệ toàn cầu tại Walmart, nói với WSJ rằng cả doanh nghiệp và nhà cung cấp công nghệ đều có động lực làm việc cùng nhau để tích hợp các kiểm soát cần thiết nhằm đảm bảo các thiết bị này sẵn sàng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp — không phải người tiêu dùng — mới là những người sẽ thúc đẩy việc sử dụng AI ở quy mô lớn.
"Khi các nhà sản xuất thiết bị tìm ra các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu, tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy tốc độ áp dụng AI tăng nhanh hơn," bà nói.
Dù vậy, việc đưa AI vào tay nhân viên từ góc độ người tiêu dùng cũng có thể thúc đẩy sự chấp nhận lớn hơn ở phía doanh nghiệp, theo Christian Frank, Giám đốc Công nghệ của công ty xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings, dự báo.