VCCI chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chỉ số PCI & PGI với đoàn công tác của Nepal
VCCI đã có cuộc làm việc, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Bộ chỉ số PCI&PGI với đoàn công tác Nepal và các chuyên gia, cán bộ của Ngân hàng Thế giới.
Tại cuộc làm việc, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chào mừng đoàn công tác tại Nepal đến thăm và làm việc tại VCCI.
Bên cạnh đó, Phó Tổng thư ký VCCI đã chia sẻ một số thông tin cơ bản về VCCI, cũng như quá trình VCCI nghiên cứu và xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
Theo đó, báo cáo Chỉ số PCI và Chỉ số PGI là ấn phẩm thường niên do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) và các đối tác tư nhân nhằm thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và thân thiện với môi trường.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một sáng kiến nổi bật của VCCI. Được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005, Chỉ số PCI được xây dựng từ cảm nhận và đánh giá của những doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đang hoạt động tại các địa phương.
Để xây dựng PCI, VCCI tiến hành khảo sát doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tổ. Mỗi năm, có khoảng gần 10 nghìn doanh nghiệp tư nhân trả lời điều tra PCI. Để xây dựng bộ chỉ số này, ngoài dữ liệu điều tra, nhóm nghiên cứu PCI của VCCI còn sử dụng các thông tin khác đã công bố của các bộ, ngành...
Theo Phó tổng thư ký VCCI, chỉ số PCI khuyến khích chính quyền các tỉnh cải thiện chất lượng công tác điều hành. Mặt khác, PCI được xây dựng trên cơ sở đánh giá của các doanh nghiệp, do vậy chỉ số này phản ánh một cách khách quan và trung thực về môi trường đầu tư và kinh doanh của địa phương.
Cho đến nay, PCI được xem là “tiếng nói” quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân về môi trường kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh.
Trong khi đó, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), do VCCI triển khai xây dựng và công bố từ năm 2023, là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Những phát hiện từ Chỉ số PCI và Chỉ số PGI đã giúp chính quyền các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch hành động phù hợp nhằm cải thiện liên tục chất lượng điều hành kinh tế theo hướng tăng trưởng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp phát triển và phục hồi.
Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh: "Những đóng góp của PCI và PGI đã tạo ra một bức tranh môi trường kinh doanh với nhiều gam màu lạc quan. Chính quyền các địa phương ngày càng năng động, tiên phong và có nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp, tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân được coi trọng và hầu như không còn tình trạng đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hoạt động đối thoại chính quyền – doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính giảm rõ rệt".
Tại cuộc làm việc, ông Shivaram Pokharel, Cục trưởng, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Cung ứng, Trưởng đoàn công tác của Nepal cảm ơn những chia sẻ của VCCI về cách xây dựng bộ chỉ số PCI & PGI; đồng thời bày tỏ, phía Nepal sẽ tiếp tục nghiên cứu, học tập và áp dụng những thông tin được VCCI đưa ra.
Tại cuộc làm việc, các chuyên gia, cán bộ cũng đã đưa ra câu hỏi cho VCCI xung quanh việc xây dựng Bộ Chỉ số PCI & PGI.