Chính trị - Xã hội

Vì chúng ta là đồng bào

Thạc sĩ Lầu Văn Thanh - Bệnh viện 199, Bộ Công an 12/09/2024 05:00

Cứ qua mỗi hiểm cảnh, nghĩa đồng bào sẽ ở lại. Hơn cả, nó được hun đúc, vun bồi để mãi là tấm khiên chắn vững chắc chở che nhau vượt qua muôn trùng gian khó.

Tính đến 13 giờ 30 ngày 11/9, có 296 người chết, mất tích (155 người chết, 141 người mất tích) do cơn bão số 3 và mưa gây ra. Cơn bão số 3 với cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội. Ngay sau bão là mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở, sụt lún diện rộng ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, tiếp tục gây ra bao cảnh tang thương, mất mát. Số người chết, mất tích và bị thương do bão, lũ là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tang thương mất đó..v..v.

Ảnh màn hình 2024-09-11 lúc 18.38.59
Hiện trường xảy ra lũ quét vùi lấp cả thôn Làng Nủ. ẢNH: Trung Dũng/thanhnien.vn

Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại. Hiện việc tìm kiếm người mất tích vẫn đang được các lực lượng nỗ lực thực hiện, cùng với đó là các hoạt động khắc phục hậu quả.

Giờ đây, hơn bao giờ hết, đồng bào miền Bắc cần sự chung tay giúp đỡ của cả nước. Mỗi đóng góp, dù nhỏ bé cũng sẽ là nguồn động viên to lớn, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và tiếp tục xây dựng tương lai. Thực tế, không cần những mỹ từ kêu gọi, mọi người đến với nhau và chung tay trên sự tin tưởng và tín nhiệm.

“Lá lành đùm lá rách” - tinh thần tương thân tương ái quý báu của dân tộc Việt Nam một lần nữa được thể hiện trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Ngày 9/9, trong thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào ta ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy mạnh mẽ “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất, đến tận tay các gia đình bị thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.

Hai tiếng “đồng bào” nghe sao mạnh mẽ và xúc động! Cả nước từng nhiều lần hướng về “khúc ruột” miền Trung mỗi mùa mưa bão. Cả nước cũng từng “tất cả vì miền Nam ruột thịt” trong kháng chiến chống Mỹ, hay chi viện cho miền Nam trong đại dịch Covid-19. Và giờ là miền Bắc với trận cuồng phong chưa từng có trong lịch sử, cả nước lại “hướng về miền Bắc”.

Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ở miền Trung, miền Nam đã hỗ trợ nhân lực, miễn phí vận chuyển hàng hoá ra Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc để khắc phục hậu quả bão lũ. Chẳng hạn: Tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Công viên cây xanh Huế huy động 16 cán bộ, nhân viên, người lao động lên đường giúp thành phố Hà Nội khắc phục hậu quả. Song song, đoàn 60 tình nguyện viên của tỉnh cũng đã có mặt tại Hải Phòng vào sáng ngày 10/9…

Còn tỉnh Quảng Bình, TP.HCM, Công ty – trung tâm Công viên cây xanh đã cử đoàn công tác tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả của mưa lũ gây ra tại TP Hà Nội và Hải Phòng. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành cho đến các đơn vị báo chí, truyền thông còn nhanh chóng và kịp thời triển khai gây quỹ đóng góp giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt ở các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai... Hoặc trên mạng xã hội như vận chuyển miễn phí nhu yếu phẩm, áo phao, hàng cứu trợ... tới vùng lũ.

Đáng chú ý, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngân sách nhà nước hỗ trợ tạm thời cho Quảng Ninh, Hải Phòng mỗi địa phương 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa bão. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng mong muốn được nhường sự hỗ trợ này cho các địa phương khu vực miền núi phía Bắc đang gặp khó khăn do thiên tai và tỉnh sẽ tự cân đối từ các nguồn lực dự trữ, dự phòng.

Hơn nữa, nói đến nghĩa đồng bào trong tâm bão, tâm lũ, trước hiểm nguy rình rập, các cán bộ, chiến sĩ vẫn đang ngày đêm túc trực, hàng chục người con ưu tú của Tổ quốc thuộc lực lượng vũ trang nhân dân đã căng mình trong lũ, lụt, họ đã chiến đấu và hy sinh vì đất nước, vì nhân dân, giữ trọn lời thề “trung với Đảng, hiếu với dân”. Đó là hình ảnh đẹp mà ai ai cũng thấy, khó có thể quên được...

Những thế hệ sống trong thời bình có lẽ chưa bao giờ chứng kiến một sự đoàn kết đến như thế. Người người, nhà nhà không chỉ rất ý thức đồng lòng tuân thủ phòng chống dịch mà còn nghĩ đến khó khăn của người khác trong bão lũ. Tinh thần đoàn kết, tương trợ của người dân Việt Nam luôn là một sức mạnh to lớn, tiềm tàng và luôn được phát huy vào những thời khắc khó khăn nhất.

Những nghĩa cử cao đẹp được lan tỏa không chỉ là hình ảnh đẹp, là câu chuyện ấm lòng giữa cơn cuồng phong bão lũ, mà còn tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: Tinh thần đoàn kết, “thương người như thể thương thân”.

Có thể nói, trong những tất bật của cuộc sống, tình cảm tình đồng chí, tình nghĩa đồng bào đôi khi nó không biểu hiện rõ ràng. Nhưng nó luôn ở đấy, nơi trang nghiêm nhất trong trái tim con người. Và lúc biến cố xảy đến, đặc biệt là khi đất nước có họa xâm lăng, dịch bệnh, thiên tai… nghĩa tình ấy trỗi dậy mạnh mẽ bằng những lời chúc và cả những hành động để tương trợ và bảo vệ nhau, chở che cho nhau.

Điều này cũng có nghĩa, mỗi một khó khăn, biến cố là thêm một lần giúp chúng ta thêm trưởng thành, vững vàng về ý chí, bản lĩnh và tinh thần cố kết dân tộc. Đó cũng là sức mạnh nội sinh, là động lực giúp hàng triệu người Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, đạp bằng mọi chông gai để chung sức đồng lòng phấn đấu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Thạc sĩ Lầu Văn Thanh - Bệnh viện 199, Bộ Công an