Sửa Luật Đầu tư công: Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị, cần tăng cường hơn nữa việc phân cấp, phân quyền trong thủ tục hành chính, thẩm định dự án...
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 29 chính sách mới, gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Tại Dự thảo Luật (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất 05 nhóm chính sách sửa đổi chính như: Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp Nhà nước; Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.
Đồng tình và đánh giá cao sự cần thiết phải sửa đổi luật, cùng các đề xuất được cơ quan soạn thảo đưa ra, tuy nhiên, để Dự thảo được hoàn thiện, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tế, không ít ý kiến đề xuất, cần xem xét, rà soát lại một số nội dung.
Cụ thể, góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), về vấn đề điều chỉnh chủ trương đầu tư, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện Luật Đầu tư công mới chỉ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư mà không quy định về các trường hợp được điều chỉnh chủ trương đầu tư; đồng thời không có quy định về dừng chủ trương đầu tư như thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các trường hợp dừng…
Do đó, đại diện cơ quan này đề nghị bổ sung thêm quy định về các trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm rõ về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong trường hợp làm thay đổi quy mô nhóm dự án; bổ sung quy định về dừng chủ trương đầu tư làm cơ sở cho việc điều chỉnh dự án.
Không chỉ có vậy, về đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp, theo đại diện Bộ Xây dựng, Luật Đầu tư công hiện hành quy định đối tượng dự án, công trình khẩn cấp hẹp hơn và chưa bao quát so với quy định tại Luật Xây dựng; chưa quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện, nội dung báo cáo đề xuất dự án, nội dung thẩm định dự án; trong khi đó Luật Xây dựng đã có quy định khá rõ và chi tiết các nội dung này.
Vì vậy, vị này đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc quy định theo hướng dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật xây dựng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án, công trình khẩn cấp.
Trong khi đó, góp ý liên quan đến đầu tư dự án ODA, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho hay, hiện Dự thảo Luật (sửa đổi) vẫn quy định chủ trương đầu tư gồm 2 bước. Để rút ngắn thời gian hơn nữa, cần lược bỏ bước đề xuất chủ trương dự án ODA và ghép vào bước chủ trương đầu tư dự án như dự án đầu tư trong nước. Các nội dung liên quan đến đánh giá về đảm bảo an toàn nợ công, đánh giá khoản vay cũng sẽ ghép vào bước chủ trương đầu tư.
Còn theo đại diện Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Dự thảo Luật có quy định giải thích định nghĩa về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuy nhiên, Luật Xây dựng cũng có định nghĩa về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng.
Do đó, đại diện đơn vị này đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm này để các doanh nghiệp Nhà nước dễ dàng áp dụng triển khai.
Cùng với các vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), các địa phương cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét một số nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền; phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách trung ương; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đầu tư công; cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp; thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn…
Được biết, theo dự kiến, Dự án Luật này sẽ được cơ quan soạn thảo báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình 01 Kỳ họp. Nếu được thông qua như dự kiến, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.