Trung Quốc đối mặt khủng hoảng thừa năng lực sản xuất
Việc dư thừa năng lực sản xuất đã và đang khiến Trung Quốc phải đối mặt với thách thức dài hạn.
Sau khi gỡ bỏ chính sách "zero COVID", nhiều nhà quan sát cho rằng động lực tăng trưởng của Trung Quốc sẽ nhanh chóng bùng nổ trở lại. Tuy nhiên, quá trình phục hồi đã gặp trở ngại, với tăng trưởng GDP kém, niềm tin tiêu dùng suy giảm, các cuộc xung đột gia tăng với phương Tây, và khủng hoảng bất động sản kéo dài đã khiến một số công ty lớn nhất của Trung Quốc vỡ nợ.
Vào tháng 7 năm 2024, dữ liệu chính thức của Trung Quốc tiết lộ rằng tăng trưởng GDP đang tụt hậu so với mục tiêu của chính phủ khoảng 5%.
Để giải thích cho tình hình ảm đạm này, các nhà quan sát đã đưa ra nhiều phân tích khác nhau. Theo bà Zongyuan Zoe Liu, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, có một nguyên nhân sâu xa hơn là chiến lược kinh tế kéo dài hàng thập kỷ, ưu tiên sản xuất công nghiệp hơn tất cả. Cách tiếp cận này đã dần dẫn đến sự dư thừa công suất nghiêm trọng.
Trong nhiều năm, các chính sách công nghiệp của Bắc Kinh đã dẫn đến việc đầu tư quá mức vào các cơ sở sản xuất trong nhiều lĩnh vực từ nguyên liệu thô đến các công nghệ mới nổi như pin và robot, khiến các thành phố và doanh nghiệp Trung Quốc phải gánh chịu những khoản nợ khổng lồ trong quá trình này.
Khi ưu tiên sản lượng công nghiệp, các nhà hoạch định kinh tế của Trung Quốc cho rằng các nhà sản xuất trong nước sẽ luôn có thể bán được lượng hàng dư thừa ra thị trường toàn cầu.
Nhưng trên thực tế, bà Liu chỉ ra, Trung Quốc đã đầu tư quá mức trong các lĩnh vực mà thị trường nội địa đã bão hòa, trong khi các chính phủ nước ngoài lại cảnh giác với việc Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng.
Thép Trung Quốc là một ví dụ điển hình, năng lực sản xuất dư thừa của nước này cuối cùng đã vượt qua tổng sản lượng thép của Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại. Gần đây, Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng dư thừa tương tự đối với than đá, nhôm, thủy tinh, xi măng, thiết bị robot, pin xe điện và nhiều vật liệu khác. Hiện tại, các nhà máy Trung Quốc mỗi năm có thể sản xuất lượng pin mặt trời gấp đôi nhu cầu sử dụng thực tế của thế giới.
"Nói một cách đơn giản, trong nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng, Trung Quốc đang sản xuất nhiều sản lượng hơn so với mức mà thị trường nội địa hoặc các thị trường nước ngoài có thể hấp thụ một cách bền vững", ông Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh nhận định.
Do đó, nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của giá cả giảm, mất khả năng thanh toán, đóng cửa nhà máy và cuối cùng là mất việc làm.
Kể từ giữa những năm 2010, vấn đề này cũng đã trở thành một yếu tố gây bất ổn trong thương mại quốc tế. Với việc dư thừa nguồn cung trên thị trường toàn cầu, các công ty Trung Quốc đang đẩy giá xuống dưới điểm hòa vốn đối với các nhà sản xuất ở các quốc gia khác.
Vào tháng 12 năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã cảnh báo rằng sản lượng dư thừa của Trung Quốc đang gây ra tình trạng mất cân bằng thương mại và cáo buộc Bắc Kinh tham gia vào các hoạt động thương mại không công bằng.
Tương tự, vào tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo rằng việc Trung Quốc đầu tư quá mức vào thép, xe điện và nhiều mặt hàng khác đang đe dọa gây ra sự gián đoạn kinh tế trên toàn cầu.
Đối với phương Tây, vấn đề dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc đặt ra một thách thức dài hạn mà không thể giải quyết chỉ bằng cách dựng lên các rào cản thương mại mới.
Hơn nữa, những nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn hàng hóa giá rẻ trong các lĩnh vực quan trọng có thể sẽ tạo ra những bất cập mới cho nền kinh tế Mỹ, đồng thời chuyển vấn đề dư thừa sản xuất của Trung Quốc sang các thị trường quốc tế khác.
Thay vì tìm cách cô lập Trung Quốc, Minxin Pei, Giáo sư tại Claremont McKenna College và chuyên gia về chính trị Trung Quốc cho rằng, phương Tây nên thực hiện các bước để giữ Bắc Kinh gắn kết chặt chẽ với hệ thống thương mại toàn cầu, sử dụng các lợi ích của thị trường quốc tế để định hướng Trung Quốc phát triển cân bằng hơn và giảm bớt các chính sách công nghiệp can thiệp mạnh tay.
Nếu không có chiến lược như vậy, phương Tây có thể phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng không bị ràng buộc bởi các mối quan hệ kinh tế quốc tế, ngay cả khi điều đó có nguy cơ làm tổn hại nền kinh tế toàn cầu và kìm hãm sự thịnh vượng của chính mình.