“Cú hích” đầu tư, thương mại Việt Nam - Lào
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào và Phu nhân được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mới cho quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Lào.
Việt Nam và Lào đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ giàu truyền thống tốt đẹp. Trên cơ sở đó, hai nước tiếp tục phát huy cao độ tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư.
Đối tác giàu giá trị
Đến hết năm 2023, tổng số vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 5,5 tỷ USD. Lào tiếp tục đứng thứ nhất trong số 80 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, với 245 dự án. Việt Nam luôn là một trong ba nước đầu tư lớn nhất tại Lào.
Số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng thương mại song phương có thời điểm đạt trên 18%, tổng kim ngạch năm 2023 là 1,65 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Hai bên tiếp tục áp dụng ưu đãi thuế suất nhập khẩu 0% cho hơn 95% mặt hàng có xuất xứ từ hai nước và giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Hai nước chung đường biên giới 2.330 km, tiếp giáp 10 tỉnh mỗi bên, tạo ra không gian kinh tế biên mậu rộng lớn từ Tây Bắc đến Tây Nguyên Việt Nam. Sự trù phú thiên nhiên bên kia biên giới, tính chất đắc địa của hành lang kinh tế Đông Tây là điều kiện lý tưởng xây dựng nên nhiều trung tâm thương mại, trung chuyển hàng hóa sát biên giới.
Nhiều cửa khẩu quốc tế giáp với Lào là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội ở phía Tây, như Lao Bảo, Lay Lay (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Nậm Cắn (Nghệ An),… Nhịp độ hoạt động và giá trị mang lại từ các hoạt động thương mại này không hề thua kém kinh tế biển phía Đông lãnh thổ nước ta.
Đơn cử, những năm gần đây, tuyến đường vận chuyển than đá từ tỉnh Sekong, vùng Trung Lào quá cảnh sang Việt Nam giúp tỉnh Quảng Trị thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế; đồng thời hấp dẫn nhiều doanh nghiệp lớn, khơi dậy tiềm năng đầu tư nhiều công trình hạ tầng đẳng cấp.
Dựa trên quan hệ ngoại giao tốt đẹp, được vun đắp bởi nhiều thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, và nhân dân hai nước, rất nhiều doanh nghiệp và người dân Việt Nam tìm thấy rất nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh tại Lào. Đây từng là xu hướng tại các tỉnh Miền Trung.
Với Lào, giá trị của mối quan hệ song phương còn có ý nghĩa đảm bảo quốc phòng an ninh, phên dậu phía Tây đất nước. Đổi lại, Việt Nam đã hỗ trợ tối đa nước bạn trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế, đào tạo nhân lực cũng như an sinh xã hội.
Tạo động lực mới
Địa chính trị thuận lợi, quan hệ ngoại giao nồng ấm, nhưng hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam - Lào chưa đạt được những con số ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng giao dịch thương mại giữa 2 nước nhanh nhưng quy mô còn nhỏ.
Về chủng loại hàng hóa, dù đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng nền kinh tế Lào có quy mô khiêm tốn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu hàng xuất khẩu của Lào nói chung và xuất khẩu của Lào sang Việt Nam nói riêng. Do vậy theo nhiều chuyên gia, cần kiến tạo động lực mới cho thương mại giữa 2 nước.
Thứ nhất, hai nước dồi dào tiềm năng hợp tác trên hành lang kinh tế Đông - Tây, liên kết các nước Đông Nam Á qua tỉnh Quảng Trị vươn ra biển Thái Bình Dương. Đây là tuyến đường vận tải hàng hóa lớn của châu Á trong tương lai. Nhưng hiện còn vướng mắc liên quan đến luật pháp giao thông, quản lý phương tiện vận tải, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh.
Thứ hai, kinh nghiệm cho thấy Việt Nam và Lào có thể xây dựng các trung tâm kinh tế biên mậu dọc biên giới tại những cặp cửa khẩu, với cơ chế miễn thuế quan, ưu đãi điều kiện tham gia lao động, cư trú, sở hữu bất động sản, nhà ở. Điển hình tại Quảng Trị, khu thương mại đặc biệt Lao Bảo một thời sầm uất, hiện nay cùng với tỉnh bạn Savanakhet xúc tiến thành lập khu kinh tế đặc biệt Lao Bảo - Densavan.
Thứ ba, hoàn thiện hạ tầng kết nối đường bộ, đường sắt, hàng không,.. sẽ là điều kiện cần để thương mại, đầu tư hai nước bứt phá. Đặc biệt, cần xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu tại một số khu vực trọng điểm, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động thương mại song phương; đồng thời kết nối trực tiếp các trung tâm kinh tế lớn, như: Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng với các trung tâm phát triển phía Lào.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, cho biết hoạt động thương mại sẽ tiếp tục được hai bên quan tâm thúc đẩy, nhiều văn kiện đã được ký kết góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thương mại như Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại biên giới và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam-Lào. Đồng thời, hai bên sẽ tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho thương mại song phương phát triển bền vững.n