“Lấp khoảng trống” nhân lực để hút khách Ấn Độ
Mặc dù có tiềm năng phát triển tuy nhiên hiện nay Việt Nam vẫn chưa tận dụng thị trường khách du lịch Ấn Độ một cách hiệu quả, đặc biệt là nguồn nhân lực.
Mới đây (từ ngày 27/8 đến 3/9), tỷ phú ngành dược Ấn Độ - sở hữu Sun Pharmaceutical Industries Limited đã đưa khoảng 4.500 nhân viên đến Việt Nam du lịch. Đây được xem là đoàn du khách Ấn Độ có quy mô lớn nhất đến Việt Nam từ trước đến nay.
Điểm đến hấp dẫn du khách Ấn Độ
Ấn Độ là một trong những thị trường du lịch nước ngoài phát triển nhanh nhất trên thế giới. Thị trường khách đi nước ngoài (outbound) của Ấn Độ đang được nhiều chuyên gia du lịch kỳ vọng sẽ trở thành một trong những thị trường du lịch lớn trên thế giới. Đây là thị trường du lịch hấp dẫn đối với nhiều quốc gia vì Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất và được đánh giá là ngày càng giàu có.
Ước tính theo số liệu Đại sứ Quán Ấn Độ công bố vào năm 2022, một du khách Ấn Độ trung bình chi 1.200 USD cho mỗi chuyến thăm so với người Mỹ chi 700 USD và người Anh chỉ chi 500 USD.
Ấn Độ là một quốc gia nổi bật bởi nhiều truyền thống tôn giáo, hệ thống tín ngưỡng và các địa danh lịch sử và văn hóa nổi tiếng. Do đó, du khách Ấn Độ thường ưa thích các điểm đến ở châu Á. Các điểm đến này thường là những điểm đến mua sắm, di tích lịch sử, du lịch MICE, resort đẹp và đảm bảo yếu tố an ninh, an toàn. Trong đó, Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng đáp ứng các thị hiếu này đặc biệt về hệ thống tài nguyên di tích, lịch sử, văn hoá; tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng và điểm đến an toàn và thân thiện. Hơn hết, Ấn Độ và Việt Nam đều có mối liên hệ lịch sử lâu đời bắt nguồn từ các nguyên tắc Phật giáo. Việt Nam vẫn đang là điểm đến mới với thị trường khách này nên dễ kích thích nhu cầu muốn được khám phá.
Sự kiện 4.500 du khách Ấn Độ tới thăm Việt Nam vừa qua là “bước đệm” đưa Việt Nam nằm trong top điểm đến yêu thích với thị trưởng tỷ dân này. Tuy nhiên, đây cũng là lúc Việt Nam nhìn lại những điểm thiếu sót và bù đắp khoảng trống, đưa ra chiến lược để tận dụng tối đa thị trường đầy mới mẻ và thách thức này.
Tận dụng cơ hội
Việc hiểu được đặc điểm tâm lý, văn hóa, thói quen của du khách sẽ giúp các đơn vị cung ứng dịch vụ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong đáp ứng nhu cầu du khách.
Hiện nay số lượng hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Hindi - tiếng phổ thông của người Ấn - rất hiếm. Người Ấn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng với lượng khách Ấn đến Việt Nam tiếp tục tăng cao, chúng ta đang thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng hướng dẫn viên. Do đó, việc nâng cao năng lực ngôn ngữ Ấn Độ và mở rộng cơ sở đào tạo là yêu cầu cấp thiết.
Hiện cả nước chỉ có hai cơ sở đào tạo ngôn ngữ Ấn Độ và ngành Ấn Độ học (Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) với chỉ tiêu đào tạo không quá 100 sinh viên.
So với nhu cầu thị trường, số lượng cơ sở giáo dục đại học và sinh viên được đào tạo bằng tiếng Ấn Độ khá ít, trong khi lực lượng lao động được đào tạo bằng tiếng Ấn Độ có nhiều triển vọng thăng tiến. Nghề nghiệp không chỉ có trong du lịch mà còn trong giáo dục, nghiên cứu, dịch thuật và phiên dịch, nhân viên văn phòng lãnh sự và hàng không.
Tầm nhìn chiến lược dài hạn cần ưu tiên phát triển các cơ sở đào tạo và tăng cường kỹ năng ngôn ngữ Ấn Độ trong lĩnh vực đào tạo tại Việt Nam. Trong đó, đặc biệt cần nhận thức về việc nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực, thông qua phát triển cơ sở đào tạo, nâng cao trình độ tiếng Hindi, kỹ năng nhân viên phục vụ và đào tạo chuyên nghiệp.
Nhân lực được đào tạo tiếng Ấn Độ ở Việt Nam đa phần có tình yêu và am hiểu văn hóa, con người Ấn Độ. Tuy nhiên, hầu hết họ lại chưa được đào tạo các kỹ năng và nghiệp vụ phục vụ khách du lịch Ấn Độ. Do vậy, cơ quan quản lý cần chú trọng các chính sách đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phục vụ khách Ấn Độ cần chủ động trong việc mời các chuyên gia du lịch, khách sạn, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên của mình. Đổi mới tư duy sáng tạo và tạo dựng nhận thức về cuộc cách mạng công nghệ số cho nguồn nhân lực phục vụ du khách Ấn Độ.
Với rất nhiều lợi thế về chính sách visa thông thoáng, đường bay Việt Nam - Ấn Độ thuận lợi cùng những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa,...du lịch Việt Nam cần biết tận dụng điểm mạnh, nhanh chóng lấp khoảng trống về nhân lực, và có chiến lược phù hợp thu hút thị trường tiềm năng này sẽ đưa du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.