Kỳ họp thứ 37 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 23 nội dung
Đây là chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội – Trần Thanh Mẫn tại phiên khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 12/9.
Theo đó, phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 5,5 ngày, chia làm 2 đợt với 23 nội dung. Trong đó, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 11 Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, về công tác xây dựng pháp luật, trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian để tiến hành cho ý kiến về các dự án: Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp…
Về giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2024. Cùng với đó là báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ cũng cho ý kiến về báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến việc quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông…
Về quyết định các vấn đề quan trọng, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng kết Kỳ họp bất thường thứ 8 và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẩn trương xem xét thẩm tra các đề nghị bổ sung dự án Luật, Pháp lệnh của Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình phiên họp thứ 37 trên tinh thần đủ điều kiện, chất lượng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian đến Kỳ họp thứ 8 không còn nhiều, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
“Thời gian của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV thực tế còn rất ngắn, do đó, cần tập trung cao độ nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trước khi bước vào phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã dành phút tưởng niệm đồng bào bị thiệt mạng do bão lũ gây ra tại các tỉnh phía Bắc.
Đồng thời, để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra; phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức phát động quyên góp ủng hộ người dân vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão lũ sớm ổn định cuộc sống.
Tại buổi quyên góp, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương. Sau buổi quyên góp, toàn bộ số tiền sẽ được Văn phòng Quốc hội chuyển đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để chuyển đến giúp đỡ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai.