Xây dựng cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất
Trước những bất cập đã bộc lộ, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương – Nguyễn Hồng Diên, việc sửa đổi Luật Hóa chất để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất…
Theo đó, tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/9, trình bày tóm tắt về Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương – Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành công nghiệp hóa chất đã có bước phát triển mạnh mẽ, sản phẩm hóa chất sản xuất trong nước đã đa dạng hơn về chủng loại, chất lượng được cải thiện, một số lĩnh vực của ngành đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Luật Hóa chất và các văn bản dưới luật đã hình thành một hệ thống quy định quản lý hóa chất tương đối toàn diện từ trung ương đến địa phương. Cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động hóa chất đã được quản lý chặt chẽ và ngày càng đi vào nền nếp, quy củ. Công tác an toàn hóa chất được nâng cao vai trò và chất lượng, góp phần giảm thiểu những rủi ro và tác động tiêu cực của hóa chất đến con người, môi trường, tài sản, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 16 năm thi hành Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Các quy định đối với dự án hóa chất chủ yếu tập trung vào các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, chưa đề cập đến các yêu cầu về công nghệ, định hướng phát triển ngành, chất lượng sản phẩm hay các yêu cầu về hóa học xanh và phát triển bền vững; chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn và có tính ổn định để thu hút đầu tư trong hoạt động hóa chất.
Quy định về quản lý hóa chất chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hóa chất, trong khi đó, các quy định đối với hoạt động sử dụng hóa chất chưa đảm bảo được hiệu lực quản lý, các quy định về vận chuyển, thải bỏ hóa chất còn chung chung và chưa được quan tâm, dẫn đến những lỗ hổng quản lý trong chu trình vòng đời của hóa chất. Nhiều sản phẩm tiêu dùng chứa hóa chất nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người dân hoặc có thể ảnh hưởng lâu dài đến môi trường khi thải bỏ, tuy nhiên, Luật chưa có quy định điều chỉnh…
Từ thực tế đã nêu, nhấn mạnh về mục đích sửa đổi Luật, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc sửa đổi Luật Hóa chất nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất, giảm thiểu tối đa rủi ro của các hoạt động hóa chất tới sức khỏe người dân, môi trường, tài sản, xã hội; Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hoạt động hóa chất cơ bản ổn định trong những năm tiếp theo;
Hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại, sản phẩm có giá trị cao trên thế giới mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế, đầu tư sản xuất các sản phẩm hóa chất thiết yếu góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Cho ý kiến thẩm tra sơ bộ Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật (sửa đổi). Đồng thời cho rằng, thời gian gửi hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thông tin; báo cáo kỹ hơn vấn đề về giới, tiếp tục rà soát Dự thảo Luật với các luật khác và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Cụ thể, về tên gọi và phạm vi điều chỉnh (Điều 1), áp dụng pháp luật (Điều 3), giải thích từ ngữ (Điều 4), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với tên gọi là Luật Hóa chất (sửa đổi) bảo đảm tính kế thừa, phát triển Luật Hóa chất hiện hành. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, xem xét thay đổi tên gọi là Luật Công nghiệp hóa chất để tạo tiền đề, động lực xây dựng chính sách phát triển công nghiệp hóa chất.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát phạm vi điều chỉnh để tránh trường hợp quy định quá rộng hoặc liệt kê không đầy đủ, bảo đảm không phát sinh chồng chéo, xung đột với một số luật khác; cân nhắc quy định tại Điều 1 về “hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm” vì phạm vi điều chỉnh về “hoạt động hóa chất” đã bao hàm cả hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa. Đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 3 cho phù hợp; ý kiến khác đề nghị bỏ Điều này; bổ sung, chỉnh sửa giải thích từ ngữ tại Điều 4 cho chính xác, đầy đủ hơn.
Cùng với các nội dung đã nêu tại báo cáo thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét một số nội dung về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất (Điều 6); Về Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất (Điều 9) và trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất (Điều 10); Về dự án hóa chất (Điều 11); Về ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm (Điều 12); Về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất (Điều 13) và điều kiện tư vấn chuyên ngành hóa chất (Điều 14);...